Tại Khánh Hòa, các loại hình du lịch mạo hiểm phát triển mạnh, từ xuống biển (như lặn, ca nô kéo dù, mô tô nước, flyboard…) đến lên rừng (như dù lượn, xe trượt núi, zipline, leo núi…) thu hút một lượng lớn khách đến địa phương. Tuy nhiên, không ít hoạt động du lịch tự phát, thiếu các biện pháp an toàn đã gây ra những hậu quả thấy rõ.
Du lịch mạo hiểm không nhất thiết phải mạo hiểm
Tại Khánh Hòa hiện có khu vực Hòn Én (xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang) được cơ quan chức năng cấp phép bay dù lượn và được khai thác thương mại.
Trước đó 2 điểm bay dù lượn là vùng núi Chín Khúc (xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang) và đèo Khánh Lê (xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh) là nơi diễn ra các hoạt động bay dù lượn không phép, dẫn đến nhiều vụ tai nạn.
Vào năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa đã ra quyết định tạm ngừng bay tại 2 điểm bay này.
Ông Đỗ Văn Tiệp – giám đốc Công ty TNHH Du lịch thể thao mạo hiểm Hòn Én – cho hay những năm gần đây ngoài vận động viên chuyên nghiệp, nhiều du khách đã đến Nha Trang du lịch và trải nghiệm dù lượn.
“Đây là loại hình du lịch mạo hiểm, nhưng người tham gia không nhất thiết phải mạo hiểm. Những khách chưa biết bay muốn trải nghiệm sẽ được bay cùng huấn luyện viên, được trang bị đầy đủ thiết bị, đáp ứng các chứng chỉ cần thiết” – ông Tiệp nói
Theo ông, toàn bộ quá trình cất và hạ cánh được giám sát, quay lại. Đặc biệt người tham gia đều được mua bảo hiểm. Trong trường hợp gặp sự cố, phi công bay đôi sẽ bung dù phụ để bản thân và khách đáp đất an toàn.
Tương tự, đối với các phi công chuyên nghiệp luôn phải trang bị dù phụ để đề phòng dù chính gặp sự cố.
Cũng theo vị giám đốc doanh nghiệp này, vì là môn thể thao mạo hiểm nên các sự cố luôn có thể xảy ra.
Để giảm thiểu rủi ro, bên cạnh các yếu tố như thời tiết, hướng gió, cơ sở vật chất bãi bay, bãi đáp…, cần lưu ý cả ý thức của người tham gia.
Chẳng hạn: Bay không đủ điều kiện theo quy định, sử dụng thiết bị bay không tương ứng với chứng chỉ, số giờ bay, không có điểm xuất phát và hạ cánh cụ thể, không có kế hoạch bay, sử dụng tần số vô tuyến điện tùy tiện, thực hiện quay phim, chụp ảnh trái quy định, bay cao hơn trần bay, hay bay xa hơn phạm vi cho phép của giấy phép…
“Trước hết, người chơi nên có ý thức bảo vệ an toàn cho bản thân, lựa chọn đơn vị kinh doanh du lịch mạo hiểm uy tín, bắt buộc phải có cam kết hợp đồng xử lý sự cố, bảo hiểm giữa công ty và khách, đối với những địa hình mới phức tạp không nên tự ý khám phá…” – ông Tiệp khuyến cáo với những người đã và đang có ý định tham gia du lịch hoặc thể thao mạo hiểm.
Kiểm soát chặt các hoạt động du lịch tự phát
Tại Khánh Hòa cũng đang nở rộ loại hình du lịch tự phát. Nhiều người dân, du khách sau khi xem review trên mạng hoặc có một cá nhân đứng ra dẫn nhóm thì tự thực hiện các tour leo núi, đi bộ xuyên rừng, cắm trại… Trong khi đó, các cá nhân này không có kỹ năng hướng dẫn du lịch, bảo đảm an toàn…
Nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra như cuối tháng 6-2023, một nhóm bạn trẻ gồm 7 người từ TP Nha Trang đến thác Edu (xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh) tắm thác, 1 người bị chết đuối.
Trước đó, cuối năm 2020, một nhóm khách du lịch từ TP.HCM đã thuê người dân ở Khánh Sơn dẫn đường, mang vác hành lý để trekking ở núi Tà Giang (xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn) và bị mắc kẹt trong rừng do gặp phải mưa lũ kéo dài, khiến chính quyền địa phương phải huy động lực lượng giải cứu.
Mới đây nhất vào cuối tháng 1-2024, hai du khách đến từ TP.HCM leo núi Cô Tiên (TP Nha Trang, Khánh Hòa) vào ban đêm thì bị kiệt sức không thể xuống núi được, nên phải nhờ lực lượng cứu hộ đưa xuống núi.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh – phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa – cho hay loại hình du lịch mạo hiểm phải được công ty có đủ điều kiện tổ chức, được cơ quan chức năng cấp phép. Sở cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương phối hợp với ban ngành tiến hành xử lý các đơn vị, cá nhân kinh doanh hay tổ chức, thực hiện các loại hình thể thao mạo hiểm.
“Trong ngày mai (25-3), sở sẽ có văn bản nhắc nhở các cơ sở kinh doanh du lịch mạo hiểm đảm bảo an toàn với các hoạt động này”, ông Thanh nói.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment