Trong chiều 1/8, rất đông du khách trong và ngoài nước đã đến Chùa Cầu (thành phố Hội An, Quảng Nam) tham quan, check-in. Bên trong di tích cũng đã mở cửa cho khách đi lại, tham quan và chụp ảnh.
Du khách tỏ vẻ khá thích thú khi được ngắm nhìn Chùa Cầu trong diện mạo mới.
“Dù nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc trùng tu Chùa Cầu, nhưng theo tôi thấy di tích hiện nay dù không quá hoàn hảo nhưng đã là tốt nhất. Sau khi thành màu trắng dưới lan can ở mặt tiền di tích được chỉnh trang, trông đã hài hòa và bớt “mới” hơn”, bạn Lê Thị Minh (du khách đến từ Đà Nẵng) chia sẻ.
Hiện nay, các ngành chức năng thành phố Hội An cũng đang cố gắng chạy đua hoàn thành các hạng mục cuối cùng trước khi Chùa Cầu chính thức khánh thành vào ngày 3/8.
Theo UBND thành phố Hội An, cũng trong dịp khánh thành di tích chùa Cầu, thành phố sẽ xuất bản sách với tên gọi “Tu bổ di tích Chùa Cầu”.
Nội dung sách là toàn bộ hồ sơ về quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu đã được Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tập hợp, biên soạn và xuất bản với hy vọng sẽ mang đến cho các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, du khách gần xa, người dân Hội An có cái nhìn cặn kẽ, thấu đáo, hiểu rõ hơn quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu.
Đây cũng là cơ sở dữ liệu lưu trữ quan trọng cho thế hệ hôm nay và mai sau trong công tác quản lý bảo tồn, phát huy di tích đặc biệt này.
Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nêu quan điểm và giải pháp trùng tu xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu; từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa.
Việc tu bổ Chùa Cầu được thực hiện trên tinh thần như một cuộc “giải phẫu – chữa bệnh” nên mọi hoạt động đều cẩn trọng, tỉ mỉ, bài bản, khoa học từ khâu chuẩn bị dự án đến các giải pháp tổ chức và kỹ thuật thi công tu bổ di tích.
Có gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái… được gìn giữ, tái định vị tại di tích sau khi tu bổ.
Thành phố Hội An khẳng định, sau thời gian dài trùng tu, Chùa Cầu đã hoàn thành một cách bài bản, khoa học, vừa giữ gìn được yếu tố nguyên gốc, vừa đảm bảo ổn định được kết cấu lâu dài cho di tích.
Như Dân trí đã thông tin, sau khi lực lượng chức năng tháo dỡ nhà bao che bằng khung sắt và mái tôn, hình hài Chùa Cầu lộ diện làm dấy lên những tranh cãi trái chiều từ dư luận.
Nhiều người cho rằng di tích sau trùng tu “như làm mới”, không còn nét cổ kính mà mang vẻ hiện đại nhiều hơn.
Tuy nhiên, cũng nhiều người khen công trình sau trùng tu vẫn giữ được nguyên bản gốc, riêng về “sự cổ kính” theo thời gian sẽ trở về như cũ.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment