Khu Di tích khảo cổ Mái đá làng Vành nằm dưới chân dãy núi Khụ Vành thuộc xóm Khụ Vành, xã Yên Phú. Điểm di tích này được nhà khảo cổ học người Pháp M.Colani phát hiện và khai quật từ năm 1929.
Khu vực Mái đá làng Vành là một mái đá cao rộng và thoáng mát phía dưới nền có nhiều vỏ ốc, hang sâu 18m và thấp dần về phía trong lòng núi.
Mái đá làng Vành
Theo kết quả công bố của Nhà khảo cổ người Pháp công bố năm 1930, di tích Mái đá làng Vành thuộc nền văn hóa Hòa Bình, có khung niên đại kéo dài từ 17.000 đến 8.000 năm trước đây.
Bà M.Colani đã xếp Mái đá làng Vành vào giai đoạn trung gian của văn hóa Hòa Bình và là loại di tích khảo cổ học thời đại đá, thuộc loại di tích cư trú và mộ táng trong mái đá thuộc vùng sơn khối đá vôi.
Quá trình khai quật đã phát hiện được 972 hiện vật, cùng với đó là tầng văn hóa có độ dày gần 4m, mỗi tầng văn hóa là những tàn tích sau bữa ăn của người Hòa Bình cổ.
Các loại hình di vật đá thu được ở trong di chỉ Mái đá làng Vành là công cụ ghè đẽo như: Rìu hình tam giác, rìu ngắn, rìu mài lưỡi, chày, bàn nghiền… và các di vật xương, sừng, nhuyễn thể, di vật gốm…
Di tích này còn tìm thấy các mảnh của hộp sọ, vết than tro, các hòn đá bị nung chứng tỏ là bếp sinh hoạt và có mộ táng.
Số lượng công cụ mài được tìm thấy số lượng lớn gồm: 54 công cụ mài lưỡi, 4 đục, 5 rìu mài toàn thân, 2 bàn mài, 5 viên đá có khoét lỗ và thu được 3 vòng đá.
Di tích Mái đá làng Vành còn giữ nguyên một phần tầng văn hóa gốc, trên vách mái đá còn lại khá nhiều những lớp trầm tích của kỷ đệ tứ.
Đây là một di tích tiêu biểu trong số các di tích của văn hóa Hòa Bình được các nhà Khảo cổ học phát hiện nghiên cứu ở tỉnh Hòa Bình.
Chính quyền xã Yên Phú đã có kế hoạch, đề án phát triển các loại hình du lịch lễ hội kết hợp với những giá trị lịch sử của các di tích, những giá trị văn hóa cùng đời sống sinh hoạt của người dân vùng Mường cổ.
Đặc biệt khi công trình hồ Cánh Tạng đưa vào hoạt động sẽ kết hợp thành một chuỗi tham quan du lịch, phát triển kinh tế – xã hội.
Bà Bùi Thị Hiền, người dân xã Yên Phú chia sẻ rằng, trong lễ hội người dân địa phương và du khách đến Mái đá thắp hương, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình an.
Hang xóm Trại
Di tích Hang xóm Trại, xã Tân Lập, được xem là “ngôi nhà” cư trú lâu đời của nhiều thế hệ người Mường xưa.
Hang xóm Trại nằm trên độ cao 15 m so với mặt thung lũng. Cửa và đáy hang rộng tạo thành hình vòng cung, trong lòng hang sáng và thoáng đãng, thềm hang còn nguyên vẹn và thoải dốc.
Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, người đã phát hiện và có nhiều lần thực hiện khai quật khảo cổ tại Hang xóm Trại đã tìm thấy nhiều vết tích của nền văn hóa Hòa Bình vào loại sớm nhất lưu vực sông Hồng đồng thời là nơi cư trú, là “công xưởng” chế tác công cụ lao động của cư dân Hòa Bình xưa kia.
Hang xóm Trại được phát hiện năm 1975 với hàng nghìn hiện vật lẫn trong tầng văn hóa dày 4m như vỏ ốc suối, công cụ và các mảnh gốm thô, lúa, gạo cháy…
Đó là minh chứng rõ rệt nhất về một nền nông nghiệp trồng lúa nước sơ khai ở nền văn hóa Hòa Bình.
Cùng với đó các nhà khảo cổ cũng phát hiện những dấu vết mòn trên những phiến đá trong ngách đi cổ có niên đại cách ngày nay khoảng 21 nghìn năm, là hệ thống dấu mòn đi lại vào loại cổ nhất thế giới lần đầu tiên phát hiện tại Đông Nam Á.
Trong di tích Hang đá xóm Trại, ngoài các hiện vật bằng đá, xương, sừng, gốm còn thu được khá nhiều các tàn tích các vỏ nhuyễn thể và thực vật.
Đặc biệt là đã tìm thấy xương người có niên đại 17.000 năm. Di tích của người Mường cổ xưa để lại có một chiếc bếp được xếp bởi ba hòn đá lớn, các mảnh vỏ trấu, hạt thóc và một số hạt gạo cháy dở nằm ở độ sâu khoảng 80cm.
Cho đến nay, đây là di tích văn hóa Hòa Bình có bộ di vật phong phú nhất về công cụ đá cũng như công cụ xương với kỹ thuật chế tác công cụ đá khá điêu luyện. Sự có mặt một số lượng khá nhiều công cụ có kích thước to lớn đã làm phong phú thêm bộ di vật văn hóa Hòa Bình.
Di tích hang xóm Trại được chính quyền và nhân dân xã Tân Lập cắt cử người trông nom giữ gìn nguyên trạng.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment