Sản phẩm du lịch này càng được chú ý hơn khi những ngày qua những lùm xùm giữa các doanh nghiệp trong việc khai thác dòng sản phẩm này.
Đặc biệt mới đây, một doanh nghiệp kiến nghị khẩn lên cơ quan chức năng đề xuất không cấp phép, xét duyệt hồ sơ xin cấp phép tham gia thí điểm dịch vụ vận chuyển du lịch bằng xe ô tô hai tầng, thoáng nóc của các đơn vị khác đến năm 2030.
Được ưa chuộng
Kiến nghị này là phản ứng trước văn bản của Sở Giao thông vận tải TP.HCM gửi UBND TP.HCM về việc có thêm doanh nghiệp đề xuất được thí điểm dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xe buýt hai tầng, thoáng nóc, đó là Công ty Viet Bigbus.
Dù xuất hiện chưa lâu, nhưng trải nghiệm khám phá thành phố trên nóc xe buýt hai tầng đã là lựa chọn khó bỏ qua của nhiều người dân, du khách khi đến TP.HCM.
Với các du khách, xe buýt hai tầng mang lại trải nghiệm độc đáo và thú vị nhờ cảm nhận không khí ngoài trời, tận hưởng gió mát và ánh nắng trong khi khám phá các địa danh nổi tiếng.
“Xe buýt hai tầng thường có các tuyến đường được thiết kế để đi qua các điểm du lịch chính, giúp du khách tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển. Họ có thể dễ dàng tham quan nhiều địa điểm chỉ trong một chuyến đi nên rất phù hợp với khách ở ngắn ngày”, giám đốc một công ty lữ hành lý giải sức hấp dẫn của dịch vụ này.
Như tại TP.HCM, dịch vụ xe buýt hai tầng phục vụ du lịch, với các tuyến đường đi qua các địa điểm nổi tiếng như nhà thờ Đức Bà, dinh Độc Lập, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… Tuy vậy, sản phẩm này cũng đang đối mặt với những thách thức tương tự các thành phố khác.
Việc quản lý giao thông và đảm bảo an toàn cho hành khách vẫn còn chưa hẳn đã tốt. Bên cạnh đó, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khai thác xe buýt hai tầng cũng đang trở nên gay gắt, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có những biện pháp quản lý hiệu quả.
Ông Nguyễn Khoa Luân, tổng giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on Hop off, cho rằng với vai trò là người tiên phong, doanh nghiệp của ông đã đầu tư rất nhiều cho hạ tầng, truyền thông điểm đến để du khách quen với sản phẩm nội đô này. Vì thế “việc các doanh nghiệp sau tham gia thực chất sao chép mô hình của công ty mình”.
“Đây là một sự vi phạm nguyên tắc cạnh tranh. Kinh nghiệm các nước chỉ cấp phép giới hạn cho các doanh nghiệp tiên phong đầu tiên dịch vụ này, ví dụ New York chỉ có 3 công ty được phép vận hành xe 2 tầng, Paris 2 công ty, Singapore 1 công ty”, ông Luân nêu ví dụ giải thích cho căn cứ kiến nghị của mình.
Thêm lựa chọn, du khách được lợi
Bà Đoàn Thị Thanh Trà – giám đốc truyền thông và tiếp thị của Lữ hành Saigontourist – nhận xét dưới góc độ của đơn vị lữ hành, việc thị trường có thêm đơn vị cung ứng dịch vụ sẽ gia tăng sự lựa chọn, có sự cạnh tranh thì sẽ cải thiện chất lượng, giá cả, cũng như sự sẵn có của dịch vụ.
“Một số tour nội đô chúng tôi đang khai thác đều gắn với sản phẩm xe buýt hai tầng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng sẵn có và nếu có giá vẫn còn khá cao, nên dù muốn đa dạng sản phẩm nhưng doanh nghiệp cũng phải cân nhắc”, bà Trà nói.
Theo các doanh nghiệp, về quy tắc, doanh nghiệp được quyền kiến nghị hạn chế mở tuyến nếu thấy ảnh hưởng đến lợi ích, nhưng theo Luật Cạnh tranh 2018, nếu chính quyền không cho phép mở tuyến mới, sẽ vi phạm về luật cạnh tranh.
Với trường hợp này, miếng bánh của dịch vụ buýt hai tầng lại khá nhỏ và việc có thêm người tham gia còn được đánh giá trên nhiều yếu tố khác ngoài số lượng du khách, như: tình trạng giao thông, tuyến đường có trùng lắp, vấn đề đảm bảo an toàn, sức cạnh tranh…
Với người tiêu dùng, theo anh T.Dũng, ngụ quận Bình Thạnh, từng trải nghiệm dịch vụ buýt hai tầng ở nước ngoài, thì dịch vụ trong nước vẫn còn kém xa, cần cải thiện hơn nữa.
“Ngoài việc đưa đón, thả khách tại trạm còn chưa thuận tiện, chương trình trên xe cũng khá tẻ nhạt, đường sá về chiều hay kẹt dẫn đến tài xế nhiều khi bỏ luôn tuyến. Đặc biệt, giá lại không hề rẻ để có thể trải nghiệm ngẫu hứng như các nước”, anh Dũng nêu ý kiến.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment