Thẳng thắn với nhau là du khách đừng quá kỳ vọng vào những chuyến đi “ăn trái cây no bụng” với vé vài mươi ngàn, bởi điều này rất khó cho các bên.
Khách quanh năm, trái có mùa
Một lần tôi cùng đồng nghiệp đi tham quan vườn trái cây ven sông Tiền. Chương trình tour có ghi rõ “ghé vườn trái cây, nghe đờn ca tài tử, ăn trái cây tại vườn”. Điểm đến là một khu vườn nhãn xanh tốt, tán rộng mát rượi khi ngồi dưới bóng lá cây hơn 10 năm tuổi.
Có nhạc tài tử và du khách được ăn trái khóm, dưa hấu, táo, lê… từ xứ khác mang tới đất cù lao này. Hẳn nhiên du khách thất vọng vì ăn trái cây như vầy ở đâu cũng ăn được, cần gì đi tham quan vườn trái cây. Nhưng trách ai, trách làm sao khi chuyến đi đó nhằm vào mùa nhãn chỉ có lá, không trái cũng không hoa.
Lần khác, chúng tôi ghé thăm một vườn quýt Lai Vung. Cận Tết, quýt chín vàng khắp vườn, nhìn no mắt, được chụp hình với quýt nhưng… không được ăn. Chúng tôi cũng được dặn kỹ càng là không được hái trái. Vườn không bán vé tham quan, chủ vườn mời trà nước nồng hậu nhưng không bán quýt cho khách mang về.
Tôi hỏi khéo về lý do vì sao, cô bạn người địa phương cười cười hẹn “lát sau ra ngoài đường lớn em mua cho chị mang về”. Trên đường về, tôi nghe nói lý do là quýt vườn vừa xịt thuốc nên không ăn được. Nhưng thật ra còn có lý do khác, bác chủ vườn đã không tiện nói với khách, đó là bác rất không vui sau nhiều lần khách đã “hái như phá”.
Có dặn thế nào khách cũng tiện tay hái tùy ý, lặt trụi trái chín lẫn trái xanh. Khách đi rồi lại mất công dọn cành. Người làm vườn chuyên nghiệp rất không thích điều này.
Người chuyên làm vườn họ không mặn mà với việc đón khách tham quan vườn. Người làm dịch vụ du lịch có thể có đất vườn, có kinh nghiệm quảng cáo chào mời khách nhưng làm sao để có vườn trái cây như ý của khách quả là rất khó.
Giá vé bao nhiêu cho vừa?
Theo tôi, giá vé vào vườn trái cây chỉ nên ở mức tượng trưng – 10 hay 20 ngàn đồng là vừa. Khách đến tận hưởng không gian cây lá, hoa trái trong vườn. Gặp đúng mùa có quả chín may ra được ăn trái tại vườn, đến vào mùa khác tất nhiên chỉ ngắm là chính.
Bạn thử nghĩ đi, nếu vào mùa chôm chôm chín, một nhóm vài chục người đến, vừa ăn vừa mua mang về, một loáng vườn đã thưa thớt cành trái. Hôm sau nhóm khác tới, còn đâu vườn trái cây như hôm qua?!
Cho nên việc bán vé giá cao với hứa hẹn “khách được ăn no” rất khó thực hiện cho hài lòng nhau. Phần cây trái chín có mùa, chín rộ cũng trong ít ngày hoặc vài tuần, trong khi việc chăm sóc cây mất nhiều tháng hoặc cả năm ròng và quảng cáo mời khách cũng không dễ thành công.
Trái chín, nếu có khách đến hái ăn và mang về, sẽ để lại những cành cây trơ trụi xác xơ, dễ gây bức xúc cho khách đến sau.
Và nếu nhìn về lợi ích phía chủ vườn, giá vé bao nhiêu cũng khó bù lỗ nếu không có cách quản lý tốt khu vườn. Việc để khách tự do hái ăn tùy thích luôn để lại thực tế chủ vườn rất nhọc công cho mùa sau.
Cho nên, nhà vườn thường chọn cách cho khách vào vườn chụp ảnh, không được hái trái, ăn và mua về trái hái sẵn (không rõ của vườn đó hay vườn nào). Và điều này rất dễ khiến du khách bất bình đến tẩy chay, chủ vườn mang tiếng xấu…
Du lịch vườn cây ăn trái, vì thế, đã có từ 30 năm trước nhưng đến nay vẫn rất khó có thể “sống khỏe”.
Du lịch vườn, chuyển theo hướng nào?
Một lần tôi tham quan ao sen, thất vọng không hề nhẹ khi đứng trước ruộng sen lưa thưa vài lá, không có hoa. Sau đó, tôi được hiểu rằng sen cũng có mùa và cũng phải trục đất để trồng lứa mới.
Nhiều người tính cách chia ruộng sen thành nhiều ô, có sen mới trồng, có hoa sen, có trái sen từ non tới già mới có đủ để khách hài lòng.
Với cây ăn trái cũng vậy. Nếu khách chỉ chọn việc đến vườn để được ăn tại chỗ thì mỗi năm nhà vườn chỉ mở cửa được ít ngày và việc hái trái cũng khó chiều lòng du khách.
Du lịch vườn cây ăn trái nên được hiểu là đến để hiểu hơn về cây và trái, mùa hoa ngắm hoa, mùa trái ngắm trái. Mùa vườn chỉ có lá vườn thu hút khách cách nào đây? Cần thêm các sản vật địa phương, trái cây sấy, nước trái cây đóng hộp… cũng đều thú vị và có ý nghĩa cho chuyến đi của du khách.
Qua đó, nhà vườn và địa phương có thể quảng bá nhiều sản phẩm công nghệ sau thu hoạch. Khách ra về rồi vẫn có thể tìm mua ở siêu thị hay mua online. Địa phương nên đa dạng hóa dịch vu du lịch với cây trái, sản vật địa phương.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment