Trung Quốc hiện có hơn chục ngôi chùa mang tên Thiếu Lâm. Nhưng Thiếu Lâm Tự nổi tiếng nhất và xuất hiện trong tiểu thuyết của cố nhà văn Kim Dung là ngôi chùa nằm ở Tung Sơn, huyện Đăng Phong thuộc thành phố Trịnh Châu tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Nổi tiếng khắp thế giới, chùa Thiếu Lâm được nhiều người biết tới là cái nôi của nhiều môn phái võ Trung Hoa, đồng thời là nơi ở của những vị sư võ công cao cường.
Cách thủ đô Bắc Kinh chừng 600km, chùa được xây dựng trong khu rừng trên núi thuộc dãy Tung Sơn. Đây cũng là một trong các dãy núi lớn của Trung Quốc nằm ở phía Nam sông Hoàng Hà, phía Bắc sông Dương Tử.
Với bề dày lịch sử hơn 1.500 năm, quần thể công trình được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Chùa trải qua nhiều lần trùng tu, trở thành cổ tự lâu đời nhất tại Trung Quốc.
Danh tiếng của Thiếu Lâm Tự từng vang dội qua nhiều bộ truyện kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung và chuyển thể thành phim, say lòng biết bao thế hệ người xem Việt Nam. Anh Đoàn Phước Trường là một trong những người có chung niềm đam mê đó.
Từng mong ước sớm có ngày đặt chân tới chùa Thiếu Lâm, nhưng anh Trường phải đợi hơn 5 năm chờ đợi do liên quan tới dịch bệnh và một số vấn đề cá nhân, chuyến đi mới được thực hiện.
Vào đầu tháng 4/2024, anh cùng đoàn khách Việt háo hức lên đường để trải nghiệm lớp học võ thuật cơ bản và thiền định tại đây.
Từ năm 1983, chùa được công nhận là Tu viện Phật giáo Quốc gia quan trọng của Trung Quốc. Tiếng tăm về võ công của các nhà sư Thiếu Lâm Tự bắt đầu nổi tiếng vào những năm thời nhà Đường.
Năm 728, một bia đá dựng ở chùa có mô tả việc các nhà sư chiến đấu, hỗ trợ Lý Thế Dân trong cuộc chiến giành ngai vàng. Thời kỳ đỉnh cao của võ thuật tại đây vào đời nhà Minh khi hàng trăm nhà sư đích thân chỉ huy chiến dịch chống quân nổi loạn.
Hiện chùa mở một phần diện tích cho khách tham quan với các công trình như Tàng kinh các, Thiên vương điện, Thiên Phật điện, Đại Hùng bảo điện trên tổng diện tích 60.000m2. Vé tham quan mỗi du khách là 100 tệ (350.000 đồng) không phân biệt người dân địa phương hay khách nước ngoài.
“Tôi rất hạnh phúc khi lần đầu được đặt chân tới nơi đất võ. Ở đây có rất nhiều môn sinh trên thế giới tới xin học võ thuật. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, chùa Thiếu Lâm hiện thành lập nhiều võ đường để phục vụ. Do thời gian có hạn nên tôi chỉ học được những động tác võ thuật cơ bản”, anh Trường cho biết.
Ngoài ra, vị khách Việt còn được một chú tiểu hướng dẫn cách ngồi thiền giúp điều hòa hơi thở nhằm giảm căng thẳng mệt mỏi.
Một trong những điều khiến vị khách Việt yêu thích nhất là chiêm ngưỡng bên trong Tàng Kinh các, nơi từng lưu giữ các bộ kinh sách quý về Phật pháp và võ thuật của Thiếu Lâm. Bên trong Tàng Kinh các, chính giữa thờ tượng Phật nằm tạc theo phong cách Miến Điện. Địa danh này từng được cố nhà văn Kim Dung nhắc tới trong một loạt các tiểu thuyết kinh điển về kiếm hiệp Trung Hoa.
Trên 2 vách bên trái và phải, từ đất lên đụng xà ngang là những chiếc tủ to có 2 tầng lưu giữ kinh sách, bí kíp võ công và các văn kiện vô giá khác. Bên dưới là những chiếc đệm ngồi đọc sách.
Theo thông tin từ hướng dẫn viên du lịch, Kungfu Thiếu Lâm bắt nguồn từ những hoạt động hàng ngày của tăng sư, từ công việc đơn giản của họ như gánh nước, quét sân, chặt củi… Những hành động này đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều chiêu thức võ thuật đặc trưng của họ. Bởi vậy, Thiếu Lâm Tự còn là ngôi chùa thiền nổi tiếng và học viện võ thuật Trung Quốc.
Từ kinh nghiệm của mình, anh Trường cho biết thời điểm thích hợp nhất để ghé thăm Thiếu Lâm tự là mùa xuân và mùa thu, khi thời tiết mát mẻ dễ chịu và lượng du khách không quá đông đúc.
Tuy nhiên không chỉ giỏi kungfu, hiện các vị sư có thể kinh doanh, bán đồ lưu niệm, mở trường dạy võ, đóng phim, là vấn đề nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận Trung Quốc.
“Chùa Thiếu Lâm ngày nay khác hẳn với những gì tôi hình dung khi đọc các tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung. Dường như nơi này đã kinh doanh thương mại hóa với các hoạt động du lịch chuyên nghiệp, thu tiền du khách khi sử dụng dịch vụ”, một nữ du khách châu Á nhận xét.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment