Chinh phục Tà Chì Nhù ” Thiên đường trên mây” của núi rừng Tây Bắc
Vượt qua rừng già, khe suối mát,… lên đỉnh Tà Chì Nhù
Nằm sâu trong các dãy núi thuộc khối Pú Luông, dãy Hoàng Liên Sơn, Tà Chì Nhù là một trong 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam. Đây cũng là ngọn núi được mệnh danh là “Thiên đường trên mây”. Để chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, ngoài di chuyển theo hướng từ huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, còn một cung đường nữa cũng đang được du khách, những người ham chinh phục lựa chọn – đó chính là di chuyển qua bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
Khi chinh phục Tà Chì Nhù theo hướng Ngọc Chiến – Nậm Nghẹp (Mường La, Sơn La) du khách được khám phá vẻ đẹp hoang sơ của vùng cao Tây Bắc, với những khu rừng già nguyên sinh, bạt ngàn sắc tím hồng của hoa chi pâu sườn núi rêu xanh và mà còn được hòa mình và trải nghiệm cuộc sống cùng với bà con dân bản.
Không chọn thời điểm “săn mây” từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, chúng tôi muốn thấy một Tà Chì Nhù khác, một Tà Chì Nhù có nắng và gió. Như đã hẹn trước, vào đầu tháng 4 oi ả, báo hiệu một mùa hè đầy khắc nghiệt. Theo lời hẹn với người dẫn đường Lường Xiên, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, sau gần hơn 2 giờ đồng hồ di chuyển từ thành phố Sơn La (Sơn La) từ lúc 5 giờ sáng, đến 7 giờ chúng tôi có mặt tại bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La).
Gặp chúng tôi với khuôn mặt niềm nở và lời động viên “Cố lên các bạn trẻ, trước mắt mình là một khu rừng già rêu phong mát mẻ, sắc đẹp rừng hoa đỗ quyên nở bung trời, những khe suối với dòng nước trong veo, mát mẻ”, với những câu nói ấm áp từ người dẫn đường Lường Xiên, chúng tôi lại có thêm động lực và hào hứng hơn để chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù.
Đoạn đường đầu tiên chúng tôi di chuyển bằng xe máy dài khoảng 6km đường dốc, quanh co, qua các bản làng của đồng bào nơi đây, với những rừng hoa Sơn Tra nở trắng trời. Đến cửa rừng, chúng tôi để lại xe máy tại đây và bắt đầu hành trình đi bộ để chính phục đỉnh Tà Chì Nhù. Đồng hành cũng chúng tôi còn có những porter người đồng bào dân tộc Mông nơi đây, họ vừa là người dẫn đường, hỗ trợ đoàn, khuân vác đồ ăn, nấu nướng. Mấy năm trở lại đây, khi có khách du lịch chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù nhiều, họ cũng có thêm một nghề mới và có thêm thu nhập.
Chị Giàng Thị Say, bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) một porter khỏe mạnh, nhanh nhẹn, với nhiều kinh nghiệm dẫn đoàn chinh phục Tà Chì Nhù chia sẻ: Mấy năm trở lại đây, mọi người trong bản chúng tôi ai cũng phấn khởi vì có nhiều khách du lịch đến với bản. Từ việc hỗ trợ khách du lịch, bà con dân bản có thêm nghề mới, có thêm thu nhập. Chúng tôi mong muốn, các cấp quan tâm nhiều hơn nữa, mở các lớp học tiếng nước ngoài, nấu ăn, kỹ năng bảo vệ môi trường để chúng tôi phục vụ được khách du lịch tốt hơn.
Tà Chì Nhù vẻ đẹp hoang sơ, đồng bào dân tộc thân thiện
Chinh phục Tà Chì Nhù theo hướng Nậm Nghẹp không quá khó vì đường đi dốc thoai thoải, được ngắm nhìn bản làng của đồng bào dân tộc Mông, những cánh rừng già cổ thụ phủ đầy rêu phong. Thế nhưng người leo núi cần có thể lực tốt sẽ dễ dàng chinh phục. Hành trình chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù hai ngày một đêm ở đây với khoảng 18km cả đi lẫn về. Ngày mưa, con đường mòn sẽ khó đi hơn. Do vậy, thời điểm lý tưởng nhất để đi Tà Chì Nhù là từ tháng 11 năm trước đến tháng 3, tháng 4 năm sau.
Tùy vào nhu cầu và thể trạng của du khách tham gia trải nghiệm mà những người làm du lịch nơi đây sẽ chia cung đường ra làm những chặng khác nhau: Chặng 1 ở độ cao khoảng 1.200m, các đoàn dừng ở đoạn suối trong rừng để ăn trưa, nghỉ ngơi, “checkin”. Chặng 2, bắt đầu từ suối lên đến lán nghỉ đêm cao 2.400m; chặng 3 sáng hôm sau, từ lán lên đến đỉnh.
Tại các chặng du khách nghỉ lại sẽ có cơ hội để thưởng thức những món ăn dân tộc và được tìm hiểu những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây. Anh Lường Xiên, người dẫn đường chia sẻ: Những năm gần đây, khi có ngày càng nhiều du khách biết đến và ghé thăm Ngọc Chiến chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, dưới sự định hướng của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, người dân địa phương đã và đang thay đổi tư duy, phát triển kinh tế từ làm du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc như: cung cấp các dịch vụ lưu trú, homestay, dẫn đường tham quan, khám phá…., đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Cũng theo anh Lường Xiên, những ngày cuối tuần, du khách trekking Tà Chì Nhù khá đông. Cung đường thu hút nhiều lứa tuổi khác nhau, có cả trẻ em cũng tham gia.
Đi qua những cung đường, chúng tôi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp của cánh rừng già nguyên sinh, với những cây cổ thụ, hốc cây to; cảm giác sảng khoái khi qua suối tận hưởng dòng nước mát lạnh; vẻ đẹp thơ mộng qua rừng hoa đỗ quyên cổ thụ cao từ 5-10m rêu phong, bừng sắc hoa đỏ, hồng, tím rực rỡ.
Sau khoảng 3-4 giờ vừa đi vừa nghỉ, chúng tôi cũng đã lên đến điểm trại bằng gỗ (chặng 3), có đủ chăn đệm, có nhà bếp nấu nướng, khu vệ sinh. Du khách có thể nghỉ tại lán trại, để ngày hôm sau tiếp tục hành chính.
Để lên đỉnh Tà Chì Nhù, từ điểm lán trại, chúng tôi phải vượt cung đường với chiều dài 2,5km. Di chuyển trong rừng khoảng 40 phút, con đường mòn trên những sống lưng “khủng long”, hùng vĩ của khối núi Pú Luông dần hiện ra khiến cho chúng tôi phấn khích,… và rồi vỡ òa cảm xúc khi đặt chân lên tới đỉnh Tà Chì Nhù, thỏa sức chiêm ngưỡng sự hùng vĩ, bao la của đất trời và ngắm nhìn biển mây bồng bềnh giống như những dải lụa êm ái và thả trôi.
Chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, chị Hoàng Thúy Lan du khách Hà Nội chia sẻ: Chúng tôi đã đi nhiều nơi, nhưng thật sự ở đây rất là đẹp, có những cái riềng, vẻ đẹp còn rất là hoang sơ, với những cánh rừng già, rêu phong, có suối. Người đồng bào ở đây rất là thân thiện. Đặc biệt người dân ở đây rất là có ý thức bảo vệ môi trường, dọc đường đi không hè có rác thải. Mình có hỏi các anh porter thì họ vì sao không có rác, họ có bảo người dân ở đây khi họ nhìn thấy rác là họ nhặt đi và dọn dẹp đi luân, đưa đến nơi tập kết để xử lý.
Hút khách đến với Tà Chì Nhù, nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch huyện Mường La (Sơn La) cho biết: Xã Ngọc Chiến nói chung và Tà Chì Nhù nói riêng là một trong những điểm phát triển du lịch mới, du lịch trải nghiệm của huyện Mường La (Sơn La).
Mường La xác định điểm du lịch mới này trong quy hoạch thời gian tới, gắn với đô thị loại 5 của của thị trấn Ngọc Chiến được UBND tỉnh cho chủ chương và phê duyệt vào năm 2024. Đây cũng là một tua tuyến nằm trong quy hoạch bản đồ du lịch của tỉnh Sơn La với các huyện giáp danh Mường La, Yên Bái (Sơn La) và huyện Trạm Tấu (Yên Bái).
Để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách, cấp ủy, chính quyền địa phương đang định hướng người dân khai thác những tiềm năng, lợi thế để làm du lịch bền vững, thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá. Tới đây huyện Mường La cùng với Trạm Tấu (Yên Bái) sẽ tổ chức thống nhất sản phẩm du lịch tại khu vực này và đặc biệt Mường La cũng đã xây dựng chi tiết trình ban thường vụ cho chủ trương trước xây dựng tuyến du lịch, tuyến giao thông bảo vệ rừng gắn với du lịch.
“Nếu chúng ta không bảo vệ rừng được thì sẽ bị phá vỡ cảnh quan của khu vực này. Về cơ bản là phải đảm được tính tự nhiên của rừng và những phong rêu mộc mạc tự nhiên của rừng cỏ ở đây”, ông Tâm nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch huyện Mường La (Sơn La) để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Mường La sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, phát triển các loại nông sản đặc trưng để thu hút cũng như phục vụ khách du lịch. Đồng thời từ các tua du lịch, sẽ tạo cho người dân có thêm các nghề mới như dịch vụ xe ôm, taxi, dịch vụ nghỉ dưỡng, homestay, dịch vụ hướng dẫn khách. Qua đây tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân địa phương.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment