Vợ chồng chị Dung Hòa (49 tuổi, Hà Nội) đẩy chiếc xe bán bánh mì ra cổng chợ Đồng Xuân mỗi ngày vào lúc 16h. Trong 5 tiếng buổi chiều tối, không lúc nào chị Hòa có thời gian ngả lưng xuống ghế vì phải làm việc luôn tay, luôn chân.
Khách tới mua bánh mì quán chị Hòa xếp thành vòng tròn xung quanh xe hàng, có người đội mưa đứng đợi từ lúc chị chưa bán hàng. Thương khách chờ lâu, chị Hòa nhanh tay làm trước 10 chiếc bánh chuột, sau đó mới bày biện đầy đủ nguyên liệu vào các khay inox.
Cầm trên tay túi bánh mì vừa mua được, Phương Thảo (25 tuổi, Cầu Giấy), vui vẻ cho biết: “Tuần trước mình đã lên đây 2 lần nhưng quán đều hết bánh, hôm nay phải đến sớm trước giờ chị mở hàng rồi đứng đợi. Bọn mình ở xa, thi thoảng muốn ăn lại phải đi tận 10km nên mỗi lần thường mua 10-20 chiếc”.
Thực khách đến quán bánh mì Hòa ai cũng ra về với túi bánh mì lớn từ 5 đến 20 chiếc. Ít người chỉ mua một chiếc vì bánh mì ở đây rất nhỏ, chỉ bằng lòng bàn tay, thường ăn một chiếc sẽ không đủ no.
Kích thước “nhỏ bất thường” của chiếc bánh mì cũng là một trong những yếu tố khiến quán này được mệnh danh là “độc nhất phố cổ”.
Năm 1997, khi bắt đầu mở bán bánh mì, chị Hòa nghĩ ngay đến việc thử nghiệm với loại bánh tí hon này, thay vì những chiếc bánh lớn như bình thường. Phần vì muốn chiếc bánh của mình có hình dạng khác biệt trên thị trường, phần còn lại, theo chị Hòa, một chiếc bánh nhỏ sẽ dễ dàng mang đi, dễ ăn và không sợ ngấy.
“Thực khách có thể vừa đi, vừa ăn. Vừa ngắm phố phường Hà Nội, vừa thưởng thức được trọn vẹn hương vị của pate, thịt xá xíu… mà không cần phải ăn một chiếc bánh quá khẩu phần.
Về sau, khi đón thêm nhiều đoàn khách Tây, tôi thấy kích thước nhỏ của chiếc bánh càng hợp lý. Trong lịch trình của các đoàn khách du lịch thường sẽ thưởng thức nhiều món ăn khác nhau cùng lúc, nên bánh nhỏ sẽ khiến họ thích thú vừa đủ, cảm thấy thòm thèm và sẽ nhớ mãi hương vị bánh”, chị Hòa nói.
Bánh mì chuột được bà chủ đặt riêng một người họ hàng, sản xuất theo đơn, mỗi ngày khoảng 1.000 chiếc. Ngoài đảm bảo về kích thước, bánh cũng được làm từ một loại bột đặc biệt, sao cho vỏ bánh khi nướng có độ giòn nhưng không cứng, ruột bánh mềm nhưng không đặc quá để lấn át hương vị của nhân bánh.
Chiếc bánh nhỏ nên để nhét được đầy phần nhân bên trong, tay bà chủ quán phải nắn nót từng chút. Chị Hòa phết pate, thêm rau thơm, xếp lần lượt từng miếng thịt xá xíu, có đủ nạc, đủ mỡ bên trên, sau đó thêm tương ớt và phần sốt chanh.
Nguyên liệu “nhà làm” hòa quyện trong chiếc bánh bé bằng lòng bàn tay. Sốt chanh được làm với công thức đặc biệt, vị chua thanh giúp cân bằng vị mặn ngọt của thịt xá xíu, béo ngậy của pate.
Phần thịt xá xíu làm từ thịt lợn nạc vai. Một cân thịt được nướng trong thời gian 25-30 phút. Miếng thịt khi thái sẽ mềm, ẩm, không khô quá. Mỗi ngày, quán bán hết khoảng 12kg thịt.
“27 năm nay, tôi cố gắng duy trì hương vị truyền thống của một chiếc bánh mì Việt Nam với các nguyên liệu “kinh điển”. Ngoài khách địa phương, tôi bán rất nhiều cho khách du lịch trong, ngoài nước. Tôi muốn họ ăn một chiếc bánh sẽ nhớ mãi những hương vị quen thuộc”, chị Hòa nói.
Vừa nói, tay chị vừa thoăn thoắt làm bánh. Đến 18h30, khách đứng vây quanh xe hàng cơ động của hai vợ chồng, chiều nào cũng thế, từ 17h đến 19h luôn là thời gian đông khách nhất.
Mỗi ngày chị Hòa bán được khoảng 800 chiếc bánh mì chuột, giá 10.000 đồng/chiếc. Ngoài ra có bánh mì que, cũng có phần nhân tương tự, giá 7.000 đồng/chiếc.
Mức giá này nhiều lần gây tranh cãi trên cộng đồng ẩm thực Hà Nội, nhiều thực khách chê đắt, bởi chiếc bánh mì khá bé, phải ăn 3-4 chiếc/lần mới thấy no.
“Bánh này chỉ bằng 1/3 chiếc bánh mì thông thường nhưng giá gần như tương đương, trong khi bánh mì thịt thông thường khoảng 25.000 đồng/chiếc”, một thực khách bình luận.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment