Chùa Hương năm nay có nhiều đổi khác
Đi lễ chùa là một nét đẹp văn hóa được nhiều người Việt duy trì mỗi dịp đầu năm. Tại miền Bắc, chùa Hương (ở Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) là điểm đến được nhiều người lựa chọn.
Bà Vũ Thị Định (54 tuổi, Bắc Ninh) đã 5 lần đi lễ chùa Hương. “Theo quan niệm dân gian, để thể hiện lòng thành kính, nhất tâm hướng Phật khi đến chùa Hương cầu tài lộc thì nên đi liên tiếp 3 năm. Tôi đã đi đủ 3 năm nhưng vì thấy nơi đây cảnh đẹp, linh thiêng nên 2 năm nay, năm nào tôi cũng đến đây”, bà Định chia sẻ.
Theo bà Định, lễ hội chùa Hương năm nay có nhiều thay đổi, điểm cộng là không còn tình trạng xe ôm đuổi theo khách, mồi chài chở vào bến đò, lái đò không còn giành giật khách.
Năm nay theo quy định xe không được vào tận bến mà sẽ đỗ ở các bãi gửi xe. Từ bãi xe, du khách sẽ di chuyển vào bến đò bằng xe điện. Các xe điện này chạy lần lượt theo sự sắp xếp của bộ phận điều hành nên bà Định thấy rất quy củ, nề nếp.
Đã 4 lần tới lễ hội chùa Hương nên anh Ngô Mạnh Hải (34 tuổi, quê Hưng Yên) cũng ít nhiều có sự so sánh.
“Đò hoạt động tốt hơn vì không còn cảnh chèo kéo khách, ở các điểm chùa, giảm hẳn tình trạng xả rác, nhiều nhà hàng đã công khai niêm yết giá nên khách không lo bị chặt chém”, anh Hải nói.
Tuy nhiên, theo du khách 34 tuổi này, giá vé nhiều dịch vụ tại chùa Hương năm nay tăng cao khiến không ít người phàn nàn.
Giá nhiều dịch vụ tại chùa Hương năm 2024 được điều chỉnh tăng (Ảnh: Toàn Vũ)
Anh Hải liệt kê các khoản phí cho một người khi tham quan chùa Hương: Vé thắng cảnh 120.000 đồng/người; vé đò tuyến Thiên Trù – Hương Tích 85.000 đồng/người, tuyến Tuyết Sơn – Long Vân 65.000 đồng/người; giá vé cáp treo khứ hồi 220.000 đồng/người; vé xe điện 20.000 đồng/người/chiều (di chuyển từ bãi xe tổng đến khu trung tâm bến đò).
“Nhìn chung quá nhiều khoản chi phí trong một chuyến đi lễ chùa. Nếu cộng dồn lại, mỗi người sẽ phải trả ít nhất 465.000 đồng khi tham quan chùa Hương. Nếu tính thêm tiền ăn uống, chi phí đi lại từ nhà đến chùa Hương, tiền gửi xe theo tiếng… thì con số này lên tới tiền triệu”, anh Hải nói.
Chị Vũ Hải My (quê Thanh Hóa) chia sẻ rằng “có tiền triệu mới dám đi chùa Hương” bởi năm nay giá vé và phí nhiều dịch vụ đã tăng hơn trước.
Nữ du khách này kể: Đoàn nhà tôi đi 7 người hết gần 7 triệu. Lúc về chúng tôi không đi xe điện mà lựa chọn xe ôm giá 10.000 đồng/người vì quãng đường chỉ có 1km.
Cả nhà ăn trưa ở quán gần động Hương Tích hết 1 triệu đồng, tối về ăn vịt Vân Đình hết 550.000 đồng. Ngoài các chi phí tham quan, ăn uống, đoàn của chị My bồi dưỡng cho lái đò thêm 50.000 đồng nhưng người này lại xin thêm 50.000 đồng. Thấy lái đò đã có tuổi nên cả đoàn cũng đồng ý bồi dưỡng thêm.
Một độc giả của Dân trí cho biết: “Chùa Hương năm nay có nhiều đổi khác, thuyền, đò đã tốt hơn vì không còn cảnh chèo kéo khách đi nhưng giá vé là 85.000 đồng/người. Đò nhỏ phải đủ 6 khách mới đi, nhà tôi đi 4 không muốn đi ghép nên phải trả thêm 170.000 để đi 1 đò. Tính ra là 510.000 cho việc đi đò”.
Du khách này cũng rất ngạc nhiên khi phải trả vé thắng cảnh 120.000 đồng/người bởi từng đến nhiều ngôi chùa nổi tiếng khác, chị không hề bị thu phí. “Phí gửi ô tô là 10.000 đồng/tiếng, nhà tôi phải trả 70.000 đồng cho việc gửi xe ở Mỹ Đức chứ không phải quận nội thành như Ba Đình”, độc giả này viết.
Năm nay, giá vé gửi xe tại chùa Hương là 10.000 đồng/giờ với xe 5 chỗ; 12.500 đồng/giờ với xe trên 9 chỗ và xe tải 2 tấn. Trung bình mỗi đoàn khách sẽ tham quan chùa Hương trong khoảng 7-8 tiếng đồng hồ. Vậy nên, các cá nhân, gia đình, đoàn khách sẽ mất trên dưới 100.000 đồng tiền phí gửi xe.
“Mỹ Đức là một huyện nội thành chứ không quận nội thành đất chật người đông. Phí gửi xe cao và tính theo giờ khiến những người đi lễ như chúng tôi cảm thấy không thoải mái. Nhiều nơi khách đến lễ chùa gần như không mất phí gửi xe, quang cảnh lại rất đẹp”, anh Trần Văn Thành, du khách đến từ Hà Nội nói.
Chị Vũ Thu Hoài (37 tuổi, ở Thủy Nguyên, Hải Phòng), lần đầu đi lễ hội chùa Hương chia sẻ, dọc lối lên chùa Thiên Trù hay lên động Hương Tích kín mít hàng quán khiến chị không được trải nghiệm cảm giác vãn cảnh, du xuân đầu năm.
“Cáp treo có giá 220.000 đồng/người nhưng di chuyển quá ngắn, vừa ngồi chưa đến 5 phút đã lên đến động Hương Tích”, chị Hoài nói.
Giá vé tăng khiến tiểu thương cũng lo lắng
Là một tiểu thương kinh doanh quán ăn, bà T. D cho hay, lượng khách năm nay vắng hơn năm ngoái.
“Kinh tế khó khăn, nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu nên họ cũng tính toán, cân nhắc các điểm đến đầu năm vừa đi du xuân lễ Phật, vừa tiết kiệm. Các loại vé, loại phí tăng khiến những người bán hàng như chúng tôi cũng lo lắng”, bà D. nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, giá vé tham quan chùa Hương năm 2024 tăng so với các năm trước. Phí thắng cảnh tăng từ 80.000 đồng lên 120.000 đồng/người/lượt; các dịch vụ thuyền, đò vận chuyển khách cũng tăng giá.
Giá vé đò tuyến Hương Tích là 85.000 đồng/người/2 lượt vào – ra (trước đây là 50.000 đồng); giá vé đò 2 chiều tuyến Thanh Sơn – Long Vân 65.000 đồng/người.
Giá vé cáp treo khứ hồi người lớn 220.000 đồng, trẻ em 150.000 đồng, vé đi một lượt 150.000 đồng/người lớn, 100.000 đồng/trẻ em. Giá vé vận chuyển khách bằng xe điện tăng từ 10.000 lên 20.000 đồng/người/lượt.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban Quản lý khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội cho hay: “So với nhiều địa danh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt khác ở Hà Nội thì mức phí tham quan chùa Hương không phải là quá lớn.
Theo Thông tư của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, mỗi một điểm di tích không được thu quá 40.000 đồng tiền phí. Chùa Hương là Di tích quốc gia đặc biệt, có 21 điểm tham quan nhưng chỉ thu 120.000 đồng.
Các mức phí này cũng đã được Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định thông qua.
Cũng theo ông Hiển, lễ hội chùa Hương diễn ra trong 3 tháng, từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch. Vì vậy, nhiều hạng mục cơ sở vật chất ngừng hoạt động trong suốt 9 tháng cần gia cố, tu sửa.
Giá vé thắng cảnh tăng nhằm mục đích bù chi phí và đầu tư cơ sở hạ tầng. Giá các dịch vụ tăng để nâng cao chất lượng phục vụ du khách tốt hơn và một phần dành cho người dân làm dịch vụ được hưởng.
Người lái đò được hưởng 70% giá vé (Ảnh: Hồng Anh).
Theo ông Hiển, đò di chuyển thủ công bằng sức người. Mỗi người chèo thuyền sẽ được hưởng 70% vé đi đò. Hiện có khoảng 4.000 đò hoạt động trong hợp tác xã.
Phí xe điện cũng do doanh nghiệp tự tính toán chi phí và đề xuất giá để phục vụ. Trước đây có ít xe điện nên xuất hiện tình trạng xe ôm chèo kéo, chở khách rất nhộn nhạo. Xe điện được điều hành đi đúng lộ trình, niêm yết giá công khai, lưu thông thuận tiện, tránh gây phiền hà cho du khách.
“Nếu như những năm trước du khách phải chờ đợi 30-40 phút mới có xe điện vào bến đò thì hiện giờ với số lượng xe được tăng cường, du khách rút ngắn được thời gian chờ đợi”, ông Hiển thông tin.
Trước ý kiến cho rằng, do giá vé tăng nên du khách đến chùa Hương năm nay giảm hơn năm trước, ông Hiển cho rằng, nhận định này chưa thật chính xác. “Đây là xu thế chung, du khách đi lễ hội hay các đến chùa đầu năm đều giảm so với các năm trước. Chùa Hương vì thế cũng không phải ngoại lệ”, ông Hiển nói.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment