Mới đây, Seth Sherwood, cây bút của tờ New York Times (Mỹ) đã có chuyến đi rong ruổi khắp TPHCM để tìm ra những quán cà phê ngon nhất.
Tác giả bài viết nhận định, ngoài Brazil, không quốc gia nào sản xuất nhiều cà phê hơn Việt Nam. Du nhập từ thế kỷ 19, ngành cà phê tại Việt Nam trị giá khoảng 3 tỷ USD, chiếm gần 15% thị trường toàn cầu. Qua đó, Việt Nam trở thành “gã khổng lồ” trong lĩnh vực cà phê ở khu vực Đông Nam Á.
Vài năm trở lại đây, nông dân trồng cà phê ở Việt Nam đang chuyển hướng từ trồng cà phê Robusta sang loại Arabica được nhiều người yêu thích hơn.
TPHCM là một trong những thành phố được hưởng lợi từ điều này. Nhờ nguồn cung cấp trực tiếp từ cây trồng tới cửa hàng, hiện hoạt động kinh doanh bán lẻ cà phê tại thành phố đã bùng nổ. Ngày càng nhiều cửa tiệm cà phê ngon mọc trên khắp các ngõ ngách ở TPHCM.
Và đây cũng là lý do khiến Seth Sherwood muốn khám phá những quán cà phê ngon và hấp dẫn nhất ở thành phố sôi động này.
Trong số những “cái tên” được cây bút người Mỹ nêu ra có quán cà phê Vợt nhận được nhiều sự chú ý. Với những người sành cà phê ở thành phố hẳn không thể bỏ qua địa chỉ này. Cửa tiệm có tuổi đời khoảng 70 năm, nằm ẩn mình trong một con hẻm trên đường Phan Đình Phùng thuộc quận Phú Nhuận.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chủ quán cà phê cho biết không quá bất ngờ khi biết cà phê Vợt được tờ New York Times của Mỹ nhận định là một trong các quán ngon ở TPHCM.
Từ một xe cà phê nhỏ đi bán rong trên khắp con đường ngõ hẻm ở TPHCM những năm 1950, sau này hai vợ chồng ông Côn, bà Tuyết chuyển về con hẻm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng và ở đó tới bây giờ.
Không có vẻ ngoài hào nhoáng bắt mắt như nhiều tiệm cà phê hiện đại phục vụ giới trẻ ngày nay, cà phê Vợt qua hàng chục năm vẫn giữ nguyên nét bình dị vốn có. Cửa tiệm không có biển hiệu hay lối trang trí bắt mắt nhưng vẫn có sức hấp dẫn khó cưỡng với những ai trót mê hương vị cà phê nơi đây.
“Từ những năm 1960 khi lò đốt lần đầu tiên để pha cà phê, lửa chưa hề tắt. Có những khách quen đã gắn bó với chúng tôi 20-30 năm nay là chuyện thường”, bà Phạm Ngọc Tuyết vui vẻ cho biết.
Lời chia sẻ của bà Tuyết được nhiều vị “khách ruột” xác nhận. Thậm chí họ còn gọi đùa đây là quán cà phê “bất tử” bởi mở cửa ngần ấy năm nhưng cửa tiệm rất hiếm khi đóng cửa, bán bất kể lễ Tết hay sáng tối.
Thật vậy, khách có thể tới từ sáng sớm tinh mơ để nhấm nháp hớp cà phê nóng hổi để cả ngày đủ sức tỉnh táo, hay đến lúc khuya muộn, kết thúc một ngày cũng bằng những giọt cà phê thơm nồng.
Vậy điều gì khiến cà phê Vợt có sức hút gần một thế kỷ đến vậy?
Theo anh Phạm Văn Quý con trai bà Tuyết, cà phê được trộn từ 3 loại khác nhau, rang thơm thủ công và pha trong chiếc vợt vải. Anh được cha mẹ tôi luyện hướng dẫn suốt thời gian rất dài để học hỏi kinh nghiệm.
Những giọt cà phê chảy đều kéo thành dòng qua lớp vợt bằng vải, chảy xuống lớp sữa đặc để ra thành phẩm là màu nâu óng ánh sánh quyện. Tùy theo sở thích, khách có thể lựa chọn cà phê sữa đá, sữa tươi/bạc xỉu đá, cà phê sữa nóng, cà phê đen nóng…
Bên cạnh những khách hàng lớn tuổi, cà phê Vợt cũng chiếm được tình cảm từ nhiều khách trẻ. Anh Đoàn, 23 tuổi, mới biết tới quán một thời gian nên thường xuyên ghé qua cho “đỡ nghiền”.
“Trưa nắng tôi thường tạt qua để mua ly bạc xỉu. Cà phê ở đây có mùi thơm rất khác, sữa đặc lại cho nhiều, hòa cùng đá mát lạnh. Giữa trưa đang khát nước, tôi chỉ cần một ly là đủ tỉnh táo để làm việc buổi chiều”, anh Đoàn cho biết.
Giữa cái náo nhiệt ồn ào của TPHCM với nhiều quán cà phê hiện đại mọc lên như nấm mỗi ngày, cửa tiệm nhỏ vẫn có chỗ đứng riêng, đón khách bằng thức uống bình dị với giá bình dân. Được biết, mỗi ngày quán bán khoảng 500 ly.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment