– Câu hỏi này… có vẻ hơi mâu thuẫn nhưng bạn đã phải chuẩn bị những gì cho chuyến đi không có kế hoạch này?
Bản thân tôi là con gái lại một mình xuyên Việt, vóc dáng nhỏ bé, đạp xe thồ rất nhiều đồ. Có người nhấc thử xe còn kêu quá nặng, anh chuyên đi mà còn không chở nặng như vậy, leo núi sao nổi.
Thực tế, tôi cũng đã tự đánh giá bản thân mình chịu được thì mới thực hiện hành trình. Từ trước giờ, sức khỏe của tôi luôn rất tốt, rất ít khi đau ốm. Nguy hiểm lớn nhất là không may gặp phải người xấu. Nhưng tôi không lo lắng bởi đã có nhiều năm học võ. Ngoài ra, tôi luôn có đồ phòng thân bên người.
Về vấn đề xe cộ, nếu chỉ là những trục trặc thường gặp thì tôi có thể tự xử lý được. Tôi vốn là kỹ sư nông nghiệp mà, nên máy móc, đồ dùng trong nhà có hỏng hóc tôi đều tự sửa, trừ khi lỗi quá nghiêm trọng.
Xe đạp tôi dùng là dòng touring bình thường thôi, cũng phổ biến trên thị trường, không có gì đặc biệt cả. Xe touring thì có nhiều tầng líp để hỗ trợ thêm khi lên dốc. Cũng chỉ đắt hơn xe bình thường một chút. Nhiều người đi xe xịn lắm, có khi đến cả hàng trăm triệu.
Thực ra thì trước hành trình này, lần cuối cùng tôi đạp xe là từ hồi… cấp một. Nghĩa là mấy chục năm rồi tôi mới bắt đầu đạp xe lại.
Nhưng dù kinh nghiệm đạp xe ít ỏi như vậy, tôi không phải chuẩn bị gì nhiều để quen xe. Do thường xuyên leo núi nên tôi khá khỏe. Nhiều đỉnh ở Tây Bắc người ta đi 2-3 ngày, tôi đi trong một ngày thôi, hôm sau lại leo đỉnh khác. Do đó, tôi bắt nhịp với chiếc xe khá nhanh chóng.
– Từ những trải nghiệm trên hành trình xuyên Việt, bạn có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình với những người đam mê khám phá và xuyên Việt, hay những người muốn khám phá song còn e dè về việc sử dụng xe đạp đi xa?
Đây là lần đầu tôi xuyên Việt bằng xe đạp, nên có nhiều vấn đề sẽ khắc phục cho những chuyến đi sau. Một trong số đó là tối giản lại đồ mang theo. Chuyến đi này tôi mang hơi nhiều đồ, một số không hề dùng đến. Do đó, những ai muốn đi xa với xe đạp thì nên tối giản đồ hết mức có thể, chuyến đi sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn rất nhiều.
Thứ hai, nhiều người luôn lấy lý do không có đủ sức khỏe và thời gian để đi xa hàng tháng trời. Nhưng cố gắng làm cả đời, đến lúc về già thì không đi đâu được nữa, dù trong túi có rất nhiều tiền. Lúc đó, tiền dùng để nuôi bác sĩ mua thuốc rồi. Hay như người ta nói, có tiền cũng không để làm gì nữa, khi không còn sức khỏe để làm gì cả.
Họ không dám bước ra khỏi vùng an toàn, e sợ bản thân không đủ kỹ năng, sợ những khác biệt về văn hóa ẩm thực, rồi rủi ro sức khỏe. Nhưng nếu có thể, ngay từ bây giờ, không nhất thiết phải đi xuyên Việt, mà chỉ cần làm điều gì đó khác biệt. Làm cho cuộc sống trở nên tươi mới. Đừng để cuộc sống lặp lại một cách nhàm chán mỗi ngày. Sống hết mình cho ngày hôm nay.
Mình là một kẻ nghèo, cực kỳ nghèo. Nghèo vốn sống, nghèo trải nghiệm, nghèo cảm xúc, nghèo kiến thức… nên mình chỉ muốn đi, đi mãi để làm giàu cho tâm hồn và tri thức của bản thân.
Thế giới này thì rất rộng mà ta chỉ sống được có một lần. Là một kẻ có máu xê dịch nên trong tôi lúc nào cũng có một khát khao cháy bỏng là được dịch chuyển, được đi muôn nơi. Tôi muốn đi để nhìn thấy thế giới, để tự chiêm nghiệm lại bản thân mình trong mỗi cuộc hành trình.
Và trên hành trình đó, tôi luôn tâm niệm rằng mình đang có một cuộc sống rất “tiện nghi”. Nhưng không phải là sự tiện lợi cho riêng mình mà là theo kiểu: “tiện đâu thích nghi đấy”. Nên bản thân tôi luôn cảm thấy hạnh phúc mà không có sự đòi hỏi, mong cầu nhiều. Đó là thứ hạnh phúc chân thực và bền vững nhất.
– Cảm ơn bạn đã chia sẻ. Chúc bạn sẽ có thêm nhiều chuyến đi thú vị và đạt được mong ước của mình.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment