Monday, October 16, 2023

Thác nước 'cổ tích' trên đường chinh phục đỉnh núi Lùng Cúng

Những thác nước hùng vĩ cùng vạt rừng nguyên sinh là

Những thác nước hùng vĩ cùng vạt rừng nguyên sinh là “đặc sản” khi chinh phục Lùng Cúng – Ảnh: HỒNG QUANG

Giữa tháng 10, trời cuối thu mát mẻ, chúng tôi quyết định chinh phục đỉnh núi Lùng Cúng – nóc nhà của Mù Cang Chải (Yên Bái) – với độ cao 2.913m, để được thỏa sức ngắm bức tranh miền Tây Bắc xanh tươi trước khi bước vào những tháng mùa đông khô cằn, giá lạnh.

Nằm cách Hà Nội khoảng 300km, Nậm Có là xã vùng cao xa xôi nhất của miền đất Mù Cang Chải. Không chỉ được biết đến với những thửa ruộng bậc thang ngút mắt hay những ngày mùa đông bồng bềnh biển mây trắng, nơi này còn nổi tiếng với những cánh rừng nguyên sinh đẹp như cổ tích hay những thác nước hoang sơ, hùng vĩ.

Thời gian gấn đây, đỉnh núi Lùng Cúng (cao thứ 10 Việt Nam) đã trở thành điểm chinh phục mới của những bạn trẻ sau khi “nhàm chán” với Fanipan, Lảo Thẩn hay Tà Chì Nhù…

Những thác nước hùng vĩ giữa đại ngàn Mù Cang Chải

Sau gần 6 tiếng di chuyển qua tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai và quốc lộ 32, chúng tôi có mặt tại thị trấn Tú Lệ (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái). Sáng ở thị trấn vùng cao vẫn đẫm hơi sương, chúng tôi thưởng thức thứ quà được coi là đặc sản vùng đất này đó là xôi nếp. Người Tây Bắc có câu: “nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò” để chỉ độ ngon bậc nhất của loại gạo được trồng tại đây.

Sau khi ăn sáng, những xe ôm người bản địa đã chờ sẵn để đón cả đoàn lên đường. Nơi bắt đầu điểm leo cách trung tâm thị trấn Tú Lệ 20 km thuộc bản Tu San.

Chúng tôi sẽ bắt đầu hành trình với quãng đường đi xe ôm qua những bản làng xa xôi nhất của vùng đất Mù Cang Chải. Đường đến nơi này khó đến độ chỉ những chiếc xe côn tay cùng những tay lái “cứng” nhất mới đủ can đảm lên đường.

Trong mắt du khách, đường lên Lùng Cúng như một bức tranh với sự kết hợp giữa tạo hóa thiên nhiên cùng bàn tay khai hoang bao đời của con người. Giữa những nương lúa mênh mông xếp thành từng bậc thang như lên tận mây là những ngọn thác tung bọt trắng xóa. Xa xăm còn là những làn khói sớm của những nếp nhà gỗ hòa cùng sương mây.

Con đường lên điểm leo thách thức cả những tay lái “cứng” nhất vùng – Ảnh: HỒNG QUANG

Những thác nước tung bọt trắng xóa trên đường đi – Ảnh: HỒNG QUANG

Sau quãng đường leo núi khoảng 1 giờ, con thác thác Hấu Chua La nằm giữa núi rừng nguyên sinh hiện ra – Ảnh: HỒNG QUANG

Con thác là điểm gây ấn tượng mạnh cho du khách, ngay cả đối với những người nước ngoài – Ảnh: HỒNG QUANG

Băng qua khu rừng cổ tích để chinh phục nóc nhà Mù Cang Chải

Từ điểm xuất phát ở độ cao gần hơn 1.800m so với mực nước biển tại bản Tu San, cả nhóm bắt đầu ngược dốc chinh phục Lùng Cúng.

Càng lên cao, thảm thực vật trên núi càng đa dạng. Những vạt rừng nguyên sinh phủ đầy rêu phong, cây cổ thủ 3-4 người ôm không xuể. Từng bông mua nở tím lưng núi còn đọng sương mai thi thoảng lại rung lên khi có đợt gió về. Thi thoảng, bầy khỉ, sóc lại chạy ào qua, xôn xao một khoảng rừng.

Theo lộ trình, cả đoàn sẽ leo khoảng hơn 5km tới lán nghỉ ở độ cao hơn 2.500m so với mực nước biển. Ngủ một đêm với đủ các vật dụng chăn màn, đồ ăn tại đây. 4h sáng hôm chúng tôi lên đường để chinh phục hơn 3 km còn lại để có thể chạm đỉnh Lùng Cúng trước khi mặt trời lên.

Vào những ngày đông (tháng 11 đến tháng 2), nơi này là thiên đường săn mây với những biển mây ngút mắt. Vào những tháng còn lại, tỉ lệ gặp được mây sẽ thấp hơn. Dù không gặp mây, chúng tôi vẫn tranh thủ để hít hà cái không khí trong lành mát rượi và chụp ảnh lưu lại dấu ấn của chuyến đi.

Lùng Cúng là đỉnh núi hiếm hoi còn giữ lại được những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn - Ảnh: HỒNG QUANG

Lùng Cúng là đỉnh núi hiếm hoi còn giữ lại được những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn – Ảnh: HỒNG QUANG

Một thân cây gỗ lớn đổ ngã, du khách phải chui qua khe hẹp băng qua bên còn lại – Ảnh: HỒNG QUANG

Thảm thực vật và một số loại động vật đa dạng mà du khách dễ dàng bắt gặp trên đỉnh Lùng Cúng – Ảnh: HỒNG QUANG

Nữ du khách tận hưởng cánh rừng cổ tích giữa đại ngàn Mù Cang Chải – Ảnh: HỒNG QUANG

Lán nghỉ cho du khách qua đêm ở độ cao 2.500m trước khi chinh phục đỉnh núi cao 2.913m - Ảnh: HỒNG QUANG

Lán nghỉ cho du khách qua đêm ở độ cao 2.500m trước khi chinh phục đỉnh núi cao 2.913m – Ảnh: HỒNG QUANG

Không may mắn săn được mây nhưng những du khách đi đầu mùa đã tận hưởng trọn vẹn núi rừng xanh tươi và những con thác đầy ắp nước - Ảnh: HỒNG QUANG

Không may mắn săn được mây nhưng những du khách đi đầu mùa đã tận hưởng trọn vẹn núi rừng xanh tươi và những con thác đầy ắp nước – Ảnh: HỒNG QUANG

Nguồn: Sưu tầm

0 nhận xét:

Post a Comment