Tỉnh Hà Nam thường được xem là “cái nôi” của nền văn minh Trung Hoa cổ đại. Có dịp thưởng lãm nét đẹp xưa cũ pha lẫn hiện đại của vùng đất này, tôi đã có được nhiều trải nghiệm lý thú.
Tỉnh Hà Nam của Trung Quốc nằm tại khu vực trung tâm của quốc gia tỷ dân. Ngày đêm được dòng Hoàng Hà chảy xiết bồi đắp phù sa, sự trù phú của Hà Nam không chỉ thể hiện qua các số liệu về kinh tế hay dân cư mà còn trong chính bản sắc nội tại của vùng đất này, thông qua vô số tinh hoa di sản độc đáo được lưu giữ suốt nhiều thế hệ.
Là một tỉnh rộng lớn ở phía Tây Nam vùng đồng bằng Hoa Bắc, Hà Nam có tổng diện tích là 167.000km2, chiếm khoảng 1,73% diện tích toàn Trung Quốc. Địa thế Hà Nam khá đa dạng, đồi núi tập trung chủ yếu ở phía Tây và thấp dần về phía Đông, phía Bắc và Nam là các vùng bằng phẳng.
Tuy nhiên, thế đất ở phía Nam Hà Nam lại thấp hơn so với phía Bắc nên thường xuất hiện lũ lụt vào các tháng mùa hè. Xét về khí hậu, tỉnh Hà Nam thuộc đới khí hậu ôn đới ấm cận nhiệt đới. Mùa đông rét và ít mưa tuyết, mùa xuân khô hạn và nhiều gió cát, mùa hè nóng và mưa nhiều, riêng mùa thu quang đãng và có đủ ánh nắng mặt trời. Nền nhiệt quanh năm dao động trong mức -3 độ C-29 độ C, thích hợp cho hoạt động du lịch vào bất cứ mùa nào trong năm.
Phong cảnh hữu tình ở Hà Nam, Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Hà Nam còn là giao điểm gặp gỡ của nhiều tuyến đường cao tốc huyết mạch trên khắp Trung Quốc, cũng như sở hữu hệ thống đường sắt tương đối phát triển. Nhìn chung, tất cả các thành phố trực thuộc tỉnh Hà Nam đều được bố trí gần các trục đường sắt trọng yếu. Trên địa bàn tỉnh cũng có các cảng hàng không dân dụng như sân bay quốc tế Tân Trịnh Trịnh Châu, sân bay Khương Doanh Nam Dương, sân bay Bắc Giao Lạc Dương… Vì vậy, đến đây du lịch, du khách có thể thoải mái di chuyển bằng đường bộ, đường sắt hay đường chim bay.
Trong những ngày giữa tháng 6, cơ duyên đưa đẩy đã cho phép tôi đến thăm thú nhiều địa danh hấp dẫn của Hà Nam. Mỗi nơi đều chứa đựng một câu chuyện riêng, vang vọng qua nhiều năm tháng lịch sử.
Khám phá ngôi chùa “đệ nhất võ học”
Chùa Thiếu Lâm trong Hán tự có nghĩa là “ngôi chùa trong rừng gần đỉnh núi Thiếu Thất”. Đây là ngọn núi thuộc dãy Tung Sơn, nằm tại thành phố Đăng Phong của tỉnh Hà Nam, nổi tiếng là một trong năm ngọn núi linh thiêng của Trung Quốc. Dựa theo ghi chép của các nhà nghiên cứu, ngôi chùa có thể đã được xây dựng vào năm 497.
Kể từ khi ra đời, chùa Thiếu Lâm luôn có sức ảnh hưởng nhất định đến đời sống văn hóa, xã hội và tín ngưỡng trong dân chúng xuyên suốt các triều đại phong kiến. Qua mỗi thời kỳ, chùa lại nhận thêm nhiều sắc phong, hay được các vị vua chúa trong lịch sử Trung Quốc như Khang Hy, Càn Long… ca ngợi trong những áng thơ bất hủ.
Chùa Thiếu Lâm là ngôi chùa nổi tiếng trong văn hóa và tín ngưỡng tại Trung Quốc.
Con đường dẫn lên chùa Thiếu Lâm được bao phủ trong bóng cây tùng, bách vươn mình trong sương gió chốn rừng thẳm suốt nghìn năm. Giữa khung cảnh núi đồi, thung lũng hùng vĩ thấp thoáng dáng hình của ngôi cổ tự trầm tư tạo nên một bức tranh thủy mặc hữu tình. Khi nhìn thấy cánh cổng tam quan bằng đá trắng và tượng võ tăng cao ngất, nghĩa là bạn đã gần đến khuôn viên của chùa Thiếu Lâm.
Bên trong chùa là một quần thể kiến trúc Bắc Ngụy độc đáo, bao gồm nhiều công trình lớn nhỏ khác nhau. Đáng chú ý nhất là Lập Tuyết Đình – nơi nghỉ ngơi của Đạt Ma sư tổ. Tương truyền, môn võ danh tiếng Thiếu Lâm Thập Bát La Hán Quyền do chính Đạt Ma sư tổ chỉ dạy nhằm giúp các đồ đệ cải thiện thể chất, nâng cao sức tập trung để lĩnh hội Phật pháp. Ngoài ra, các công trình như La Hán Điện với bức bích họa mô tả 500 vị la hán biểu lộ sự tôn kính với đức Phật, hay Quan Âm Các – nơi lưu giữ tảng đá có in khuôn mặt của đức Phật khi ngài diện bích 9 năm (quay mặt vào vách đá thiền định) cũng là những nét chấm phá thú vị khi đến thăm nơi này.
Vẻ đẹp thanh tịnh của chùa Thiếu Lâm.
Không thể bỏ qua Đại Hùng Bảo Điện, vốn là ngôi chính điện chính của chùa. Trong góc sân Đại Hùng Bảo Điện, du khách được chiêm ngưỡng những bia đá ghi công đức của các Phật tử có đóng góp cho ngôi chùa và một cây ngân hạnh 1.500 tuổi chi chít lỗ thủng. Theo lời kể, đó chính là nơi các nhà sư Thiếu Lâm từng tập luyện Nhất Dương Chỉ (một môn võ bí truyền sử dụng khí lực bắn qua ngón tay để tấn công đối thủ) và những lỗ thủng chính là dấu vết của môn võ công phu này.
Trong hành trình viếng thăm chùa Thiếu Lâm, du khách còn được xem các nhà sư trong chùa thể hiện công phu với những bài côn, quyền, khí công độc nhất vô nhị, khiến ai chiêm ngưỡng cũng trầm trồ thán phục.
Các môn đệ của võ học Thiếu Lâm biểu diễn kungfu.
Đến thăm chốn “bồng lai”
Ở thành phố Tiêu Tác của tỉnh Hà Nam có một thắng cảnh nổi tiếng, được UNESCO công nhận là công viên địa chất thế giới, mang tên Vân Đài Sơn. Nằm trong địa bàn huyện Tu Vũ, Vân Đài Sơn là một ngọn núi cao “ngất trời”, thuộc hệ thống dãy Thái Hành Sơn, vì quanh năm được mây mù bao bọc nên núi có tên là “Vân Đài”.
Vân Đài Sơn hùng vĩ.
Trong thời kỳ cổ đại, các khối núi của Vân Đài Sơn được cho là nằm ẩn dưới lòng đại dương. Nhờ có các hoạt động địa chất bên trong lớp vỏ Trái đất đã đẩy các khối núi này trồi lên mặt biển, bị cắt xẻ thành các hẻm vực.
Các dòng chảy len lỏi qua từng vực đá sâu, kết hợp với quá trình bào mòn của gió đã tạo ra hình dạng núi và đá như hiện tại. Với cảnh sắc đủ đầy “hùng – hiểm – tú – u – kỳ” (hùng vĩ, hiểm trở, tú lệ, tịch u, kỳ ảo) được tạo nên từ đá núi lửa, Vân Đài Sơn cất giữ trong lòng những chứng nhân lịch sử lưu danh vạn thế như Thang Vương, Trương Lương, Hán Hiến Đế Lưu Hiệp, Trúc Lâm Thất Hiền… giúp cho nơi này không chỉ đơn thuần là một điểm đến đẹp đẽ mà còn là một địa danh có giá trị nghiên cứu khoa học, văn hóa – lịch sử lớn của Trung Quốc.
Địa chất độc đáo tại Vân Đài Sơn là nét thu hút du khách đến đây mỗi năm.
Đến tham quan Vân Đài Sơn, du khách không nên bỏ lỡ vẻ đẹp diễm lệ của thung lũng Hồng Thạch. Các vách đá ở đây có màu đỏ đặc trưng, cùng với những rãnh nước suối hàng triệu năm tuổi chảy ngang qua, tất cả tạo nên một khung cảnh kỳ lạ, ấn tượng và đẹp tự nhiên. Bên cạnh đó, các điểm tham quan khác như thung lũng Thanh Long, đầm Bộc Hạp, suối Bộc Hạp, thung lũng Phong Lâm… cũng có nhiều điều thú vị chờ bạn khám phá.
Đặc biệt, du khách có thể đi cáp treo lên đỉnh núi để trải nghiệm cầu kính ấn tượng, cho phép du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp đặc trưng theo mùa của Vân Đài Sơn. Hơn hết, nếu đến đây vào mùa mưa, từ cầu kính, du khách có thể ngắm nhìn dòng thác Vân Đài cao nhất Trung Quốc cuồn cuộn chảy xiết, điểm xuyết thêm màu đỏ, vàng của các loại lá phong, lá kim khi mùa thu đến càng làm cảnh sắc thêm xao xuyến.
Thác Vân Đài cuồn cuộn chảy xiết.
Lạc bước đến “xứ sở cổ trang”
Để hiểu thêm nét văn hóa đặc sắc của tỉnh Hà Nam, du khách có thể tìm đến thành phố Khai Phong hoa lệ để mục sở thị nét đẹp của thành Đông Kinh (tên gọi thời nhà Tống của thành phố Khai Phong) trong hành trình khám phá “xứ sở cổ trang” Thanh Minh Thượng Hà Viên.
Là một công viên chủ đề mô tả gần như chính xác quang cảnh thời Tống trong bức họa Thanh Minh Thượng Hà Đồ của họa sĩ Trương Trạch Đoan, vốn là “báu vật” của nhiều triều đại phong kiến trong lịch sử Trung Quốc, Thanh Minh Thượng Hà Viên nằm bên bờ Tây hồ Long Đình, phản chiếu bối cảnh xã hội phong kiến Trung Quốc thế kỷ 12 với nhiều công trình nhà ở, hàng quán, những khu vườn cổ và các loại hình biểu diễn nghệ thuật dân gian thường thấy trong các bộ phim cổ trang.
Thanh Minh Thượng Hà Viên là công viên chủ đề lấy cảm hứng từ tác phẩm Thanh Minh Thượng Hà Đồ, mô phỏng hoàn hảo kiến trúc Trung Quốc thế kỷ 12.
Rộng hơn 242 hecta, Thanh Minh Thượng Hà Viên được phân tách thành hai phần riêng biệt. Khu phía Nam chủ yếu là tổ hợp các công trình văn hóa dân gian, gồm một con phố nghề thủ công truyền thống, các hàng quán thức ăn nhẹ, túy hạnh lâu, văn tú viện, trạm dịch v.v… Dòng sông Giải Hà uốn lượn chảy qua, kết nối các công trình tham quan, tạo nên quần thể thắng cảnh vừa có sự độc lập, lại vừa có sự tương hỗ lẫn nhau. Khu phía Bắc là tổ hợp những khu vườn mang phong cách quý tộc xưa, cùng nhiều công trình giải trí khác, chủ yếu xoay quanh hồ Cảnh Long ở khu vực trung tâm. Tại đây, du khách có thể tham quan đại điện Lâm Thủy, Phất Vân Các, cầu Cửu Long…
Dòng Giải Hà kết nối các công trình trong công viên, tạo thành một quần thể hài hòa.
Du khách sẽ phải mất gần như một ngày để đi dạo thưởng lãm khắp công viên. Các khu phố cổ nhỏ nhắn in bóng xuống dòng sông xanh. Những chiếc cầu bắc ngang dòng chảy được điểm xuyết nhiều lồng đèn đỏ. Phía xa trước mặt là khung cảnh tráng lệ của nhiều tòa lâu đài nguy nga như trong Tử Cấm Thành. Tất cả tạo nên một cảm giác “xuyên không” khác lạ.
Đến Thanh Minh Thượng Hà Viên, du khách sẽ có cảm giác như thể “xuyên không” về quá khứ.
Đặc biệt, tại Thanh Minh Thượng Hà Viên còn chiêu đãi du khách một tiết mục biểu diễn thực tế quy mô lớn dưới nước tại khu vực hồ Cảnh Long, thời lượng 70 phút với sự đồng diễn của hơn 700 diễn viên. Nội dung buổi diễn được phỏng theo những ghi chép liên quan đến bức họa Thanh Minh Thượng Hà Đồ và tác phẩm Đông Kinh Mộng Hoa Lục, mô tả sinh động nét phồn hoa đô thành nhà Tống. Buổi biểu diễn áp dụng công nghệ ánh sáng tân tiến và kỹ thuật cơ khí hiện đại, khiến khán giả không thể rời mắt dù chỉ một giây.
Nguồn: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/toi-ha-nam-xuyen-khong-ve-qua-khu-tram-nam-cua-trung-hoa-co-dai…Nguồn: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/toi-ha-nam-xuyen-khong-ve-qua-khu-tram-nam-cua-trung-hoa-co-dai-c14a56383.html
Không chỉ hấp dẫn du khách bằng vẻ cổ kính và yên bình, điểm đến du lịch này còn gắn liền với một nhân vật lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc vốn quen thuộc với nhiều…
Du lịch – 24H RSS
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment