Saturday, January 21, 2023

Du khách nước ngoài thích thú, tò mò khi được trải nghiệm điều này tại đình An Thái, Phú Thọ

Hát Xoan Phú Thọ, niềm tự hào của miền quê đất Tổ

Đình An Thái nằm ở ngôi làng An Thái tại xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, gắn liền với di sản văn hóa phi vật thể hát xoan. Những nếp nhà cổ kính, những biểu tượng chạm khắc trên các mái đình, những tán cây xanh rợp, tất cả đều mang lại một cảm giác an yên và rất đỗi thân thuộc với những khách tham quan có dịp ghé thăm nơi đây.

Du khách nước ngoài thích thú, tò mò khí được trải nghiệm điều này tại đình An Thái, Phú Thọ - Ảnh 1.

Một góc đình An Thái (Ảnh: Thu Phương)

Du khách nước ngoài thích thú, tò mò khí được trải nghiệm điều này tại đình An Thái, Phú Thọ - Ảnh 2.

Đình An Thái - Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (Ảnh: Gia Linh)

Hát xoan là một loại hình nghệ thuật truyền thống đã có từ lâu đời của miền đất Tổ Phú Thọ. Hát xoan cũng là một nét văn hóa xuất phát từ đình làng và bắt buộc phải hát trước cửa đình. Hát xoan được chia thành ba chặng. 

Chặng thứ nhất là hát nghi lễ, nhằm bày tỏ lòng kính trọng các bậc trên như vua chúa, quan thần. Sau hát nghi lễ là hát cách, ở đây người ta nói đến cuộc sống của người dân trong làng xã cũng như phong cách của xã hội thời xưa. Sau cùng là hát hội, được cất lên một cách tự do, khoáng đạt, mang đậm nét trữ tình, say mê. Ba chặng hát xoan thể hiện những gì tinh túy và tốt đẹp nhất của xã hội thời xưa.

Du khách nước ngoài thích thú, tò mò khí được trải nghiệm điều này tại đình An Thái, Phú Thọ - Ảnh 3.

Các nghệ nhân diễn xướng hát xoan (Ảnh: Gia Linh)

Trong không gian tĩnh mịch và linh thiêng của mái đình làng cổ, lòng người như lắng đọng lại bởi những điệu hát xoan duyên dáng của các Đào, các Kép. Nhiều khách du lịch tìm đến hát xoan và không gian đình làng như một phương thức chữa lành khỏi mạch sống bộn bề. 

Có lẽ sẽ không quá khi nói rằng, thưởng thức một buổi hát xoan, chúng ta được tạm thời thoát ly khỏi nhịp sống xô bồ, hối hả, được trở về với những gì nguyên sơ nhất, tự nhiên nhất - tiếng hát con người đầy phóng khoáng trong mối giao hòa cùng thiên nhiên. Lòng người thảnh thơi, nhẹ nhàng, đong đưa theo từng nhịp trống và phách.

Du khách nước ngoài thích thú, tò mò khí được trải nghiệm điều này tại đình An Thái, Phú Thọ - Ảnh 4.

Khung cảnh hát xoan trước cửa đình An Thái (Ảnh: Gia Linh)

Nghệ thuật hát xoan còn gây ấn tượng với những du khách có cơ duyên tương ngộ bằng nhiều câu chuyện bên lề thú vị. Tương truyền rằng, trong các chặng hát, nếu ai vinh dự nhận và uống chén rượu mời của các cô gái đài trang thì người đó sẽ được "trường sinh bất lão". Đó là cái duyên tùy ngộ, là lộc, là phước mà bất cứ ai được hưởng đều trân trọng và giữ gìn. Đây là một trong những mẩu chuyện nhỏ mà nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lịch tại phường Xoan An Thái (Phượng Lâu, Việt Trì, Phú Thọ) chia sẻ khi nói về nghệ thuật độc đáo này.

Du khách nước ngoài thích thú, tò mò khí được trải nghiệm điều này tại đình An Thái, Phú Thọ - Ảnh 5.

Chén rượu thân tình của các nghệ nhân hát xoan (Ảnh: Gia Linh)

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch cũng chia sẻ đầy tự hào rằng Phú Thọ là địa phương duy nhất ở Việt Nam có tới hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh, trong đó có "Hát Xoan Phú Thọ" (bên cạnh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ"). Tháng 11/2011, hát xoan của Phú Thọ đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Đến năm 2017, hát xoan chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chúng ta có quyền tự hào vì những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc, nhưng bên cạnh đó cũng cần hiểu rằng chúng ta cần trân quý hơn "di sản" truyền thống của cha ông.

Bà Nguyễn Thị Liên (phường Xoan An Thái, Phượng Lâu, Việt Trì, Phú Thọ) không giấu đi niềm tự hào về loại hình nghệ thuật đã gắn bó lâu nay: "Hát xoan là một loại hình nghệ thuật vô cùng độc đáo của Việt Nam. Hát xoan không có nhạc cụ gì ngoài trống và phách, không có đàn, sáo hay nhị. Chúng tôi thường hát ở cửa đình, cửa miếu. Khi hát, tay uốn vào như nụ hoa, xòe ra như cánh hoa". 

Dường như lối hát Xoan khi không có đàn, sáo hay nhị, chính là sự giản dị và tôn giọng hát để rồi hòa quyện với tâm hồn tạo nên điểm đặc biệt của bộ môn nghệ thuật này.

Du khách nước ngoài thích thú, tò mò khí được trải nghiệm điều này tại đình An Thái, Phú Thọ - Ảnh 6.

Bà Liên tự hào khi chia sẻ về truyền thống hát xoan (Ảnh: Gia Linh)

Tại phường Xoan An Thái tỉnh Phú Thọ, người dân và các nghệ nhân vẫn ngày ngày giữ gìn và phát triển loại hình hát xoan, tiếp tục truyền lửa và hun đúc linh hồn các giá trị văn hóa truyền thống. Vì tự hào, vì trân quý, vì yêu nét đẹp văn hóa này, họ luôn ấp ủ những nguyện vọng, những mong muốn rằng hát xoan có thể trường tồn và phát triển hơn nữa.

"Tôi đã đào tạo cho nhiều thế hệ học sinh, các cơ quan trong tỉnh, đặc biệt là du khách về truyền thống hát xoan. Gia đình tôi có truyền thống hát xoan lâu đời từ ông bà, bố mẹ, bây giờ đến lượt tôi và đến thế hệ con cháu. Tôi rất tự hào là một người con của vùng quê đất Tổ, vì tôi đã gìn giữ được di sản hát xoan - trước hết là của Phú Thọ, thứ hai là của cả đất nước Việt Nam mình và cả thế giới." - nghệ nhân Nguyễn Thị Liên chia sẻ.

Hát xoan và sự lan tỏa đến với du khách và bạn bè quốc tế

Khách du lịch quốc tế khi đến đình làng đều bày tỏ niềm yêu thích với nét truyền thống gắn liền với tín ngưỡng Hùng Vương này. Ước tính trong một ngày cao điểm du lịch, những người hát xoan trình diễn cho gần 60 khách du lịch quốc tế. Du khách tham quan đến đây không chỉ lắng nghe, thưởng thức hát xoan mà còn sẵn sàng lên trình diễn, hòa mình vào điệu nhạc cùng các nghệ nhân.

Chỉ mới đây thôi, trong khuôn khổ cuộc thi Hoa hậu Du lịch Thế giới 2022 (Miss Tourism World 2022) được đăng cai và tổ chức tại Việt Nam, các thí sinh các nước đã có cơ hội đặt chân đến Phú Thọ, tham gia các hoạt động có ý nghĩa để quảng bá, lan tỏa hình ảnh di sản của Việt Nam. 

Sau khi tham quan khu di tích lịch sử Đền Hùng, các cô gái đã được thưởng thức những làn điệu hát xoan mang đậm nét truyền thống của người Việt. Emmanuella Apuri, người đẹp đến từ Ghana, chia sẻ: "Việt Nam là một đất nước đáng yêu. Tôi yêu nơi đây bởi tôi cảm thấy như đang ở quê nhà mình vậy. Người dân ở đây thân thiện và chuyến đi thì thật là tuyệt vời".

Du khách nước ngoài thích thú, tò mò khí được trải nghiệm điều này tại đình An Thái, Phú Thọ - Ảnh 7.

Các thí sinh giao lưu cùng các nghệ nhân hát xoan (Ảnh: TẤM CÁM MEDIA)

Những tín hiệu tích cực đó càng khẳng định hát xoan hay văn hóa đình làng đều chứa đựng những tiềm năng để phát triển du lịch bản địa. Chúng đóng góp một phần không nhỏ vào hệ thống các giá trị văn hóa - nghệ thuật của tỉnh Phú Thọ. Đây đều là những yếu tố quan trọng thu hút thêm các lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đặt chân đến tham quan vùng đất Tổ.

Hát xoan đã gắn liền với những người nghệ nhân như một "di sản văn hóa tinh thần" của chính họ. Sức sống của nét đẹp văn hóa này luôn cần những người "giữ lửa", "truyền lửa" như vậy. Đó không chỉ đơn thuần là người trình diễn hát xoan mà còn là những người hiểu, yêu và trân trọng văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, câu chuyện về bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc song hành cùng việc thu được lợi ích kinh tế trong phát triển du lịch từ hát Xoan, vẫn còn là bài toán chưa dễ gì tháo gỡ ngay được, cần phải có thời gian để tháo gỡ khó khăn và vướng mắc.

Du khách nước ngoài thích thú, tò mò khí được trải nghiệm điều này tại đình An Thái, Phú Thọ - Ảnh 8.

Hát xoan cần nhiều hơn những người "giữ lửa" (Ảnh: Thu Phương)

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch cũng như những người "giữ lửa" hát xoan ở phường Xoan An Thái đều hy vọng sẽ có thêm những người "truyền lửa" có thể tự hào về những tinh túy của nghệ thuật truyền thống dân tộc và trân trọng những giá trị mà nó mang lại.

0 nhận xét:

Post a Comment