Chủ Nhật, ngày 25/10/2020 01:00 AM (GMT+7)
Tự làm cho làn da của mình trở thành như da cá sấu, hóa thân thành chim công hay thậm chí là ăn thịt người chết... là những tập tục cực kì kinh dị và ớn lạnh của những bộ lạc đang sinh sống ở quốc đảo Papua New Guinea.
Papua New Guinea là một quốc đảo nằm ở phía Bắc Australia với nhiều điều bí ẩn chưa được khai phá hết. Bên cạnh vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng (bao phủ tới 90% diện tích đất nước này) và hệ sinh thái đa dạng mà nổi tiếng nhất là các loài bướm, đảo quốc này còn là nơi sinh sống của nhiều bộ lạc có tục lệ, tín ngưỡng rất kì bí, thậm chí rất ớn lạnh.
Bộ lạc biến mình thành cá sấu
Bộ lạc Chambri, sống gần thành phố Port Moresby nổi tiếng với nghi lễ điêu khắc cơ thể để sở hữu làn da khô ráp, cứng cỏi như cá sấu. Theo truyền thuyết của người Chambri, con người tiến hóa từ cá sấu và bắt nguồn từ sông Sepik. Loài vật này tuy hình dạng xấu xí nhưng vô cùng mạnh mẽ. Do đó, quá trình "lột xác" thành cá sấu sẽ giúp các chàng trai khẳng định mình là người mạnh mẽ, quyết đoán và nam tính. Những đứa trẻ trong bộ lạc Chambri tới tuổi trưởng thành (từ 15 - 35 tuổi) sẽ phải tham gia nghi lễ truyền thống của bộ tộc mình.
Theo truyền thuyết của người Chambri, quá trình "lột xác" thành cá sấu sẽ giúp các chàng trai khẳng định mình là người mạnh mẽ, quyết đoán và nam tính - Ảnh" Trevor Cole.
Để tham gia buổi lễ, những đứa trẻ phải trải qua quá trình "thử thách" từ các thành viên trong bộ lạc bằng cách miệt thị, chửi bới. Và nếu vượt qua được những lời lẽ đó, chúng mới đủ điều kiện để bước vào nghi lễ kinh khủng nhưng cũng đầy kiêu hãnh là biến mình thành cá sấu. Khi thực hiện nghi lễ, trưởng tộc sẽ trực tiếp dùng những vật dụng sắc nhọn để khắc lên sống lưng, bả vai và phía trước ngực của đứa trẻ. Họ dùng khói lửa, đất sét và dầu cây đắp vào vết rạch để chúng có kích thước lớn hơn. Bằng cách này, những "họa tiết" trên cơ thể càng dài thì người đàn ông càng chín chắn, trưởng thành. Theo quan niệm của bộ lạc Chambri, người nào càng nhiều vết sẹo càng may mắn có được sức khỏe, mạnh mẽ và cứng rắn như cá sấu.
Một người đàn ông đang được bôi dầu cây để hong khô vết thương - Ảnh: Internet.
Nghi lễ của này người Chambri hết sức nguy hiểm bởi việc dùng mũi dao rạch từng đường trên cơ thể khiến những chàng trai đau đớn, mất nhiều máu và sinh hoạt khó khăn. Nhiều người bị nhiễm trùng vết rạch song không được dùng thuốc mà bắt buộc phải gồng mình chịu đau đớn, chờ đợi vết thương tự lành hoặc nhai loại cây mà bộ tộc xem như "thần dược" để điều trị bệnh tật.
Bộ lạc ăn thịt người chết
Nghe tới chuyện này sẽ khiến bạn cảm thấy rùng rợn hơn cả khi xem các bộ phim kinh dị, nhưng điều này lại được xem là truyền thống, phong tục của bộ lạc Fore và những thành viên trong bộ lạc này từ trẻ em đến người già, phụ nữ đều phải thực hiện như một cách thể hiện... sự tôn trọng người đã chết!
Theo phong tục của bộ lạc Fore, những thành viên trong bộ lạc này từ trẻ em đến người già, phụ nữ đều phải thực hiện việc ăn thịt người đã khuất như một cách thể hiện... sự tôn trọng người chết! - Ảnh: Internet.
Tập tục man rợ này đã để lại hậu quả là một phân tử cực kỳ nguy hiểm sống trong não người gây bệnh thoái hóa "kuru" từng khiến dân số ở đảo quốc này giảm 2%/năm. Chính vì thế chính phủ đã phải ra lệnh cấm tập tục kinh dị này từ thập niên 50 của thế kỷ trước.
Bộ lạc hun khói người chết
Người Anga sống tại Aseki của Papua New Guinea, vùng cao nguyên nằm bên rìa thế giới hiện đại, đã thừa hưởng một trong những nghi lễ kỳ quặc nhất của thế giới: hun khói thi thể người chết. Là một hình thức lưu giữ lạ lùng, mà theo cách nhìn của người ngoài là rất kỳ cục, các xác chết được hun khói của người Anga đã hấp dẫn trí tưởng tượng của các nhà nhân chủng học, các nhà văn và các nhà làm phim từ hơn 100 năm nay.
Một xác chết được hun khói để bảo quản, tập tục rất ghê rợn của người Anga - Ảnh: Alamy.
Các thi thể không được ướp muối, mà là được hun khói trong nhiều tháng, sau đó được trát đất sét đỏ bên ngoài nhằm duy trì hình dáng cơ thể và không bị rã thành từng phần, rồi đặt vào các đền thờ trong rừng rậm.
Bạn sẽ phải nổi da gà khi thấy những con đường ven vách núi tràn ngập các xác chết khô vì bị hun khói trên các thanh tre của người Anga, thị trấn Morob, Papua New Guinea - Ảnh: Internet.
Nếu đến thăm ngôi làng của người Anga ở thị trấn Morob, Papua New Guinea bạn sẽ phải nổi da gà khi thấy những con đường ven vách núi tràn ngập các xác chết khô vì bị hun khói trên các thanh tre.
Bộ lạc biến mình thành chim công
Gần với bộ lạc Chambri - bộ lạc cá sấu là bộ lạc Huli, một bộ lạc cũng rất đặc biệt với tục hóa trang đa màu sắc mỗi khi săn bắn hoặc tham gia các lễ hội. Bộ lạc Huli hiện có dân số khoảng 65.000 người và sống ở lưu vực Tari ở vùng cao nguyên Papua New Guinea. Ngoài việc trang bị cung, rìu, những thợ săn còn phải tô vẽ mặt và cơ thể bằng những màu sơn đỏ, vàng và đội mũ lông vũ để sẵn sàng bước vào cuộc săn.
Ngoài việc trang bị cung, rìu, những thợ săn bộ lạc Huli còn phải tô vẽ mặt và cơ thể bằng những màu sơn đỏ, vàng và đội mũ lông vũ để sẵn sàng bước vào cuộc săn hoặc lễ hội - Ảnh: Trevor Cole.
Không chỉ khi đi săn, khi tổ chức lễ hội, người dân ở bộ lạc này cũng sơn vẽ mặt mình nhiều màu sắc sặc sỡ, cũng như hóa trang thành những con chim đa sắc màu của núi rừng.
Ngoài bộ lạc Huli thì bộ lạc Kunai cũng có lối hóa trang rất độc đáo của riêng mình - Ảnh: Trevor Cole.
Ngoài bộ lạc Huli thì bộ lạc Kunai cũng có lối hóa trang rất độc đáo của riêng mình. Họ tô vẽ mặt mũi cũng với màu đen, đỏ, vàng và nhuộm râu trắng. Ngoài ra, họ luôn đeo trên cổ họa tiết trăng lưỡi liềm.
Bộ lạc người bùn
Bộ lạc Asaro hay còn được gọi là người bùn sinh sống ở miền đông của Papua New Guinea nổi tiếng với những chiếc mặt nạ ghê rợn bằng đất sét, được trang trí bằng răng heo và vỏ sò. Da họ được bôi một lớp đất sét trắng, những ngón tay bằng tre kéo dài, và tất nhiên là không thể thiếu những chiếc mặt nạ kỳ quái.
Da bộ lạc Asaro được bôi một lớp đất sét trắng, những ngón tay bằng tre kéo dài, và tất nhiên là không thể thiếu những chiếc mặt nạ kỳ quái - Ảnh: Internet.
Không được ghi chép lại trong sử sách, không có cách nào để xác định từ khi nào người Asaro bắt đầu làm những chiếc mặt nạ, dù người ta tin rằng việc này đã tồn tại suốt 4 thế hệ.
Nguồn: https://danviet.vn/bo-lac-bi-hiem-va-nhung-tap-tuc-kinh-di-va-on-lanh-o-papua-new-guinea-2020102...Nguồn: https://danviet.vn/bo-lac-bi-hiem-va-nhung-tap-tuc-kinh-di-va-on-lanh-o-papua-new-guinea-20201021162339225.htm
Trong một thế giới được kết nối hơn bao giờ hết, thật bất ngờ rằng có những người vẫn xa lánh xã hội hiện đại...
0 nhận xét:
Post a Comment