Friday, August 9, 2019

Hòn đá trông bình thường nhưng chứa nhiều bí ẩn ở London

London Stone nằm ở con phố nhộn nhịp giữa thủ đô nước Anh, nhưng không ai biết nó từ đâu tới, vì sao nằm đó hay có chức năng gì.

Phố Cannon, London luôn hỗn loạn trong giờ cao điểm buổi sáng, khi hàng nghìn người vội vã sải bước đi làm. Ít ai chú ý đến một hầm mộ nhỏ gắn trên bức tường của số nhà 111. Bên ngoài hầm mộ là một cửa kính nhỏ. Nếu bạn tò mò nhìn vào, nơi này sẽ chẳng có gì ngoài một hòn đá vôi nhỏ. 

Cận cảnh đá London. Ảnh: Flickr.

Cận cảnh đá London. Ảnh: Flickr.

Trên hòn đá nhỏ đó không đính kim loại quý hay chạm khắc gì đặc biệt. Nó cũng không có hình thù kỳ lạ hay màu sắc bắt mắt, mà trông đơn giản như những hòn đá bình thường bạn có thể thấy ở bất kỳ đâu.

Nhưng, hàng trăm năm nay, hòn đá nhỏ với cái tên London Stone đã trở thành điểm mốc thu hút du khách khi tới thủ đô nước Anh. Điềm hấp dẫn của nó nằm ở lai lịch và quá khứ. 

Trong nhiều thế kỷ, các nhà khảo cổ đã bắt tay vào tìm hiểu, nhưng không ai xác định rõ được niên đại của viên đá này, nó từ đâu tới, và vì sao lại nằm ở vị trí này hay có chức năng gì. John Clark, người quản lý bảo tàng London cho biết: "Đây là một trường hợp mà cả ngành khảo cổ đã phải đầu hàng".

Thứ chính xác duy nhất liên quan đến nó, mà con người có thể cung cấp là kích thước 53 x 43 x 30 cm. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần còn sót lại từ tảng đá ban đầu khi nó xuất hiện trên phố Candlewick (giờ là Cannon). Phần lớn của tảng đá bị phá hủy khi chính quyền xây dựng đường sắt Metropolitan vào giữa thế kỷ 19.

Đá London nằm ở vị trí khiêm tốn dưới chân tòa nhà trước khi cải tạo ở địa chỉ 111 phố Cannon. Ảnh: REX.

Đá London nằm ở vị trí khiêm tốn dưới chân tòa nhà trước khi cải tạo ở địa chỉ 111 phố Cannon. Ảnh: REX.

Khi khoa học đã thất bại trong việc cung cấp lịch sử chính xác về hòn đá, thì các huyền thoại xung quanh nó lại phát triển mạnh mẽ.

Vào thế kỷ 18, các nhà văn ở London cho rằng hòn đá có tác dụng như một linh vật bảo vệ thành phố. Nhờ có nó, thành London mới trụ vững qua nhiều cuộc chiến tranh. Một truyền thuyết khác tin rằng xe ngựa nếu chạy quá nhanh qua đây, bánh xe có thể vỡ trong khi hòn đá không hề bị dịch chuyển. Năm 1450, thủ lĩnh của một cuộc nổi dậy chống lại vua Henry VI là Jack Cade đã đặt thanh kiếm của mình lên hòn đá và tuyên bố mình là "Chúa tể London". Tuy nhiên đến nay, không có bằng chứng nào chỉ ra rằng câu chuyện kia là có thật.

Vào những năm 1960, các nhà nghiên cứu cho rằng nó là loại đá vôi Clipsham, có từ thời kỷ Jura, có thể thấy từ Dorset đến Lincolnshire. Vào năm 2016, kết quả từ các cuộc thử nghiệm do Bảo tàng Khảo cổ London thực hiện lại chỉ ra rằng London Stone có thể đến từ Cotswolds, cách thủ đô nước Anh 160 km về phía tây. Đá London được đưa vào các tấm bản đồ của thành phố từ thế kỷ 16.

Roy Stephenson, trưởng nhóm nghiên cứu về Môi trường Lịch sử ở bảo tàng London cho biết, hòn đá này xê dịch rất ít, dù những thứ xung quanh nó đã thay đổi. Hòn đá cũng là một nhân chứng, chứng kiến nhiều sự kiện của thành phố. Ngày 2/9/1666, một đám cháy đã bùng phát tại một tiệm bánh ở Pudding Lane, khởi nguồn cho cuộc đại hỏa hoạn ở London khi đó. Ngọn lửa tàn phá trung tâm London thời trung cổ, thiêu rụi hơn 13.000 tòa nhà, gồm cả những công trình quanh Đá London. 

Đá London được đưa về vị trí ban đầu vào ngày 4/10/2018. Ảnh: Stonespecialist.

Đá London được đưa về vị trí ban đầu vào ngày 4/10/2018, sau thời gian tòa nhà ở địa chỉ này cải tạo. Ảnh: Stonespecialist.

Năm 1742, những con đường ở London ngày càng tắc nghẽn giao thông. Hòn đá đã được di chuyển một khoảng cách ngắn, từ trung tâm con phố đến lề đường, và được đặt trong bức tường của nhà thờ St Swithin. Năm 1940, nhà thờ bị tàn phá bởi bom Đức, nhưng hòn đá vẫn nguyên vẹn. Năm 1962, phần còn lại của nhà thờ được thay thế bằng tòa nhà văn phòng, nằm ở số 111 Cannon, và bao gồm cả hòn đá đặc biệt. Kể từ đó, hòn đá nằm im tại nơi này, ngoại trừ từ năm 2016 đến 2018, nó được đưa vào Bảo tàng London khi tòa nhà được cải tạo.

Hiện tại, không ai tìm ra được mục đích ban đầu của tảng đá được sử dụng. Nhưng tầm quan trọng mang tính biểu tượng của nó vẫn không hề thay đổi. 

Từ sân bay Heathrow, London, du khách có thể tới phố Cannon bằng taxi hoặc xe lửa. Thời gian di chuyển hơn một giờ. Tại Việt Nam, có nhiều hãng bay thẳng và nối chuyến tới London. Giá vé khứ hồi từ khoảng 900 USD.

Du khách Việt Nam nộp hồ sơ xin visa Anh qua trung tâm tiếp nhận hồ sơ thị thực Vương quốc Anh, chứ không nộp trực tiếp tại Đại sứ quán. Hiện có 3 trung tâm tiếp nhận xin thị thực ở Việt Nam là Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Phí xin visa khoảng 3 triệu, tùy vào từng loại visa du khách xin (ngắn hạn, dài hạn...). Nước Anh dùng đồng Bảng (GBP). 1 GBP khoảng 28.000 đồng. 

Một số địa điểm du lịch nổi tiếng và hút khách ở London: Cầu Tháp, tháp London, vòng xoay mắt London, điện Buckingham, tu viện Westminster, tháp đồng hồ Bigben...

Anh Minh (Theo BBC)

Related Posts:

  • 'Ký ức Hội An' ra mắt khán giả Thủ đôVở diễn tái hiện thương cảng Hội An thế kỷ 17 qua âm nhạc, tạo hình và những hoạt cảnh sống động trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Du lịch Việt Nam. Công diễn lần đầu tiên ngày 18/3/2018, vở diễn thực cảnh "Kí ức Hội An" đ… Read More
  • 7 hãng hàng không nguy hiểm nhất thế giới 20198 năm qua, 9 vụ tai nạn máy bay chết người đã xảy ra tại Nepal, một quốc gia có địa hình núi cao hiểm trở. Forbes công bố danh sách hãng bay nguy hiểm nhất 2019 dựa trên hệ thống đánh giá hơn 400 hãng hàng không của Airlines… Read More
  • Thiếu hụt trong ngành hàng không của Việt NamNhân lực đang thiếu ở hầu hết vị trí như phi công, thợ máy, nhiều tàu bay phải mang ra nước ngoài sửa các chi tiết kỹ thuật cao. Tại phiên toàn thể của Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam, nguồn nhân lực cho ngành hàng không l… Read More
  • Ấn tượng về CĐV bóng đá Việt Nam ở SEA GamesPhilippines CĐV Philippines thấy màn cổ động cuồng nhiệt của người hâm mộ Việt Nam hoàn toàn áp đảo phía khán đài của fan Indonesia. Janella Coral, đến từ Manila, cho biết cô may mắn có cơ hội khuấy động không khí trận chung… Read More
  • Khách Tây 'đi bão' cùng người ViệtTheo du khách Mỹ John Ransom, người Việt Nam cổ vũ bóng đá cuồng nhiệt, xuất phát từ chính niềm tự hào dân tộc. Tối 10/12, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đổ ra các ngả đường, mang theo quốc kỳ, trống và hát vang để chúc mừng … Read More

0 nhận xét:

Post a Comment